Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định sứ mệnh “soi đường”: Mở ra trang sử mới

PGS. TS Lê Thị Bích Hồng| 05/03/2023 13:01

(HNMCT) - Sự ra đời của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (Đề cương) năm 1943 đã mở ra một trang sử mới cho văn hóa Việt Nam. Đề cương đã khẳng định vai trò sứ mệnh lịch sử đặc biệt của văn hóa, đó là "soi đường cho quốc dân đi" và trở thành ngọn cờ tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tham gia cách mạng. 80 năm đã qua, Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, định hướng lâu dài cho sự phát triển văn hóa Việt Nam...

Múa “Mùa trái ngọt”. Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa

Từ ngày 25 đến 28-2-1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, đã thông qua "Đề cương về văn hóa Việt Nam" do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Đây là văn kiện chính thức đầu tiên, tương đối hoàn chỉnh của Đảng trên lĩnh vực văn hóa; xác định quyền lãnh đạo văn hóa của Đảng; khẳng định mặt trận văn hóa phải do Đảng lãnh đạo và sự lãnh đạo đó là vấn đề có tính nguyên tắc.

Đề cương ra đời trong thời điểm đất nước vô cùng bộn bề chống thù trong, giặc ngoài. Dù trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, đang làm công tác vận động cách mạng, nhưng Đảng ta vẫn sáng suốt ban hành Đề cương về văn hóa với mục đích là chống lại chính sách văn hóa phản động của thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc...

Đề cương đã thu tóm những vấn đề cơ bản của văn hóa nước nhà dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam. Đề cương đã “bồi đắp sự thiếu thốn trong chương trình hành động của Đảng giai đoạn trước” (Đặng Thai Mai); vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng; đặt nền móng lý luận căn bản và định hướng lâu dài cho sự phát triển văn hóa Việt Nam.

Nhận thức của Đảng thể hiện ngay trong “Cách đặt vấn đề” về mối quan hệ vững như “kiềng ba chân” giữa văn hóa với chính trị, kinh tế: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản hoạt động không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa; có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới hiệu quả.

Đề cương nêu rõ quan niệm văn hóa của Đảng mới chỉ là nhận thức bước đầu: Phạm vi văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng bao hàm nhiều thành tố, trong đó có tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Trong khi khoa học về văn hóa xuất hiện ở nước ta tương đối muộn, thì Đề cương ra đời năm 1943, cho thấy “quan niệm về văn hóa mới mẻ, khoa học, phản ánh đúng nhận thức của những người Mác xít, vượt lên trước tư duy của thời đại ở Việt Nam” (Phạm Quang Nghị).

Đề cương đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa; sự nghiệp văn hóa phải hình thành và phát triển, phải trở thành động lực của cuộc kháng chiến...

Đề cương khẳng định tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam do Đảng lãnh đạo là một nền văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung. Đề cương đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hóa mới của Đảng, tập hợp văn nghệ sĩ, trí thức tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. 

Đề cương đề ra ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam là: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng) và Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Ba nguyên tắc có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau...

Phần cuối Đề cương đề cập đến nhiệm vụ: Mục đích trước mắt của văn hóa Việt Nam là chống lại văn hóa phát xít, phong kiến thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân, phỉnh dân, phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương. Công việc phải làm là: Cuộc đấu tranh chống những xu hướng, quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á có ít nhiều tai hại ở nước ta nhằm bảo vệ cho học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử...

Đề cương về văn hóa với sứ mệnh lịch sử đặc biệt như một ngọn cờ tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tham gia cách mạng. Tư tưởng "Tổ quốc trên hết", "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" của lãnh tụ Hồ Chí Minh chính là ngọn cờ đã tập hợp mọi giai tầng xã hội đi theo cách mạng, kháng chiến.

Đề cương về văn hóa là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu, khoa học, nghiêm túc; kết tinh trí tuệ, kinh nghiệm tập thể của những nhà lý luận mác xít Việt Nam trong quá trình vận động văn hóa; là đỉnh cao trí tuệ, đương thời, là nhận thức sắc bén về tình hình, là dự báo khoa học về tương lai, là sức mạnh to lớn của đất nước.

Soi đường cho nền văn hóa Việt Nam

"Đề cương về văn hóa Việt Nam" như tên gọi mới là dạng đề cương, phác thảo một số luận điểm của Đảng trong điều kiện hoạt động bí mật. Dù mới là những định hướng lớn, nguyên tắc mang tính chất nền tảng, nguyên tắc hoạt động, song Đề cương đã có vai trò, ý nghĩa rất lớn là định hướng xuyên suốt hoạt động trên mặt trận văn hóa của Đảng và xây dựng nền văn hóa dân tộc.

Thực tiễn đường lối văn hóa của Đảng 80 năm qua cho thấy tinh thần Đề cương luôn hiện hữu trong các văn kiện chỉ đạo của Đảng; là “kim chỉ nam” đặt mặt trận văn hóa vào đúng quỹ đạo; là ngọn đuốc soi đường cho những người làm công tác văn hóa. Tinh thần Đề cương vẫn nguyên giá trị, vẫn giữ tính nhất quán về đường hướng phát triển, nguyên tắc chỉ đạo nền văn hóa dân tộc.

Ba nguyên tắc: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng đã được bổ sung, điều chỉnh ở giai đoạn sau và có ý nghĩa trong chỉ đạo xây dựng nền văn hóa dân tộc. Năm 1944, Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ ra những nhược điểm của văn hóa Việt Nam. Vì thế, “phải kíp lập một mặt trận chống ba căn bệnh của văn hóa Việt Nam hiện tại. Cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này phải theo ba nguyên tắc... Phàm cái gì chống lại tinh thần dân tộc độc lập và thống nhất, phải thẳng cánh đập tan... phải kiên quyết bài trừ... phải nhất luận phê phán”. Sau khi Đề cương ra đời, Trung ương Đảng đã triệu tập một số văn nghệ sĩ dự Hội nghị thảo luận ba nguyên tắc; thành lập Hội Văn hóa cứu quốc. Ngày 11-6-1945, một số văn nghệ sĩ phụ trách Hội đã họp bàn việc thực hiện Đề cương, xuất bản báo Tiền tuyến, xây dựng nội dung báo, trong đó có mục Đề cương văn hóa...

Lịch sử văn hóa Việt Nam chính thức mở ra trang mới từ Đề cương về văn hóa. Đường lối văn hóa ngày càng được phát triển, hoàn chỉnh; nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về văn hóa ngày càng được nâng cao. Các văn kiện, nghị quyết của Đảng có sự phát triển ba nguyên tắc: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. Ba nguyên tắc đó luôn được vận dụng sáng tạo và trở thành phương châm cơ bản của văn hóa. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII tập trung mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng tiếp tục khẳng định: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội lần thứ X của Đảng khẳng định: Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết 23-NQ/TW khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới xác định mục tiêu “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta đã tiến hành tổng kết và ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xác định “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc...”.

Đề cương xác định phạm vi văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật, trong đó trọng tâm của văn hóa là tư tưởng. Đại hội VII của Đảng xác định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII khẳng định: “Tư tưởng, đạo đức và lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa”... Nghị quyết 23-NQ/TW khóa X xác định “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa...”...

Đảng đã xác định cách mạng văn hóa có vai trò quan trọng không tách rời cách mạng kinh tế và chính trị. Thời điểm Đề cương ra đời, Đảng ưu tiên cách mạng chính trị để tạo tiền đề cho kinh tế và văn hóa phát triển. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014) xác định 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó quan điểm thứ nhất, ngoài thừa kế từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước” đã phát triển “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021) triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn... Văn hóa là một phạm trù rất rộng...”.

Đường lối văn hóa của Đảng giai đoạn 1930 - 1945 mà đỉnh cao là "Đề cương về văn hóa Việt Nam" đã thể hiện sự trưởng thành của Đảng về tư tưởng, lý luận, tổ chức. Sự ra đời của Đề cương đã đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, thực tiễn cách mạng. 80 năm qua, "Đề cương về văn hóa Việt Nam" vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; định hướng lâu dài cho sự phát triển văn hóa Việt Nam và mang tầm vóc cương lĩnh của Đảng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định sứ mệnh “soi đường”: Mở ra trang sử mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.