Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định bản lĩnh, vị thế Việt Nam

Vân Khanh| 15/02/2018 19:09

(HNM) - Năm 2017, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Chủ nghĩa dân túy trỗi dậy ở Lục địa già. Các giá trị của Liên minh Châu Âu (EU) bị lung lay với cuộc


1. Với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có những cường quốc hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Nga, Australia… cùng khoảng 11.000 đại biểu là các lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, doanh nhân và phóng viên báo chí khắp thế giới, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 thực sự là cơ hội để các quốc gia trong khu vực cùng thảo luận và thống nhất lập trường chung về thương mại, kinh tế và thúc đẩy hợp tác. Tinh thần cởi mở, xây dựng được thể hiện qua việc thông qua 8 văn kiện, đặc biệt là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng mang đến niềm tin rằng các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương đã xác định được các khuôn khổ, lộ trình để APEC tiếp tục chứng tỏ là một diễn đàn đáng tin cậy.

Quyết tâm giữ vững các giá trị cốt lõi của APEC là thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư mà các lãnh đạo khu vực khẳng định tại Đà Nẵng được xem là một thắng lợi lớn của hợp tác đa phương. 21 nền kinh tế của Diễn đàn đã cùng nhất trí “hướng tới thương mại, đầu tư mở và tự do tại Châu Á - Thái Bình Dương” và giữ vững cam kết ủng hộ "hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm”. Vào thời điểm chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng trỗi dậy, thông điệp này đã tạo xung lực mới cho liên kết kinh tế quốc tế và củng cố niềm tin vào các lợi ích của tự do thương mại và toàn cầu hóa đối với tăng trưởng, thịnh vượng của từng quốc gia.

Thành công của Năm APEC 2017 cũng đã ghi lại một dấu mốc đáng nhớ trong chặng đường hơn 30 năm hội nhập của nước ta và là một minh chứng cho nỗ lực thực thi chính sách ngoại giao rộng mở mà Việt Nam xác định là trụ cột quan trọng trong hành trình phát triển. Tổ chức APEC 2017 không chỉ là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong năm qua mà còn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại hướng tới năm 2020 của nước ta. Là chủ nhà của APEC lần thứ 25 chính là sự khẳng định những cam kết của Việt Nam đối với tiến trình cải cách và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Những chủ đề của sự kiện được mong đợi này đã tạo thêm động lực để Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 khi nhiều lĩnh vực trong hợp tác APEC có tác dụng hỗ trợ hiệu quả mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo của Việt Nam, trong đó có thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phát triển nguồn nhân lực, minh bạch hóa thị trường, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và tăng cường đổi mới, sáng tạo không ngừng.

Việc hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Năm APEC 2017 cũng là thành tựu đáng tự hào, thể hiện bản lĩnh của ngoại giao Việt Nam. Bằng khả năng điều hành linh hoạt trong 243 sự kiện của Năm APEC, nước chủ nhà của APEC lần thứ 25 đã cố gắng hài hòa lợi ích, tìm kiếm nền tảng chung, thu hẹp khác biệt và khuyến khích những điểm tương đồng để thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên.

Việt Nam cũng đồng thời đưa ra những sáng kiến góp phần định hướng tương lai của diễn đàn và bảo đảm sự phát triển ổn định của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong dòng chảy đầy biến động của nền kinh tế, chính trị thế giới. Lần thứ hai kể từ năm 2006 đăng cai tổ chức APEC, Việt Nam đã khẳng định sự đóng góp tích cực cho hoạt động của diễn đàn cũng như các thể chế quốc tế theo đúng chủ trương mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra là “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương”.

2. Sự chủ động của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác đa phương khác như Liên hợp quốc, ASEAN… cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận khi năm 2017 cũng là thời điểm nước ta đánh dấu chặng đường 40 năm gia nhập Liên hợp quốc và kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Đánh giá về vai trò của Việt Nam, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cho rằng sau 4 thập kỷ tham gia ngôi nhà chung Liên hợp quốc, từ một nước nhận viện trợ ODA đơn thuần, Việt Nam đã trở thành đối tác phát triển, có nhiều đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, hỗ trợ ngăn ngừa, giải quyết các tranh chấp, xung đột quốc tế trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc.

Sự chủ động trên tinh thần một thành viên có trách nhiệm đã trở thành nguyên tắc cốt lõi trong hợp tác quốc tế của nước ta cũng được thể hiện sinh động và hiệu quả qua những đóng góp của Việt Nam trong việc củng cố sự hợp tác nhiều mặt, đoàn kết thống nhất của ASEAN. Là “người đến sau” nhưng bằng sự năng động, thiện chí với những đề xuất thực tế và có ý nghĩa chiến lược, Việt Nam được đánh giá là “một nhân tố không thể thiếu” cho quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, đồng thời thúc đẩy mở rộng các khuôn khổ hợp tác của Hiệp hội với các quốc gia, đưa ASEAN ngày càng trở thành một đối tác có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế.

Tiếp tục chính sách ngoại giao tích cực, năm qua cũng chứng kiến sự năng động của hoạt động đối ngoại song phương. Những chuyến thăm nước ngoài dày đặc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được thực hiện và Việt Nam cũng đón tiếp nhiều đoàn cấp cao của các nước tới thăm, trong đó có các quốc gia láng giềng và khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Singapore, các cường quốc thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và cả những bạn bè truyền thống như Ai Cập, Hungary, Mozambique…

Bên cạnh việc tăng cường lòng tin chính trị giữa hai bên, việc đưa quan hệ với các quốc gia đi vào chiều sâu, ổn định sẽ giúp nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của Đảng ta là ngoại giao phải đóng góp tích cực vào việc duy trì môi trường quốc tế hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước. Trong thành tựu đáng mừng của kinh tế Việt Nam năm 2017 với tăng trưởng GDP 6,81%, mức cao nhất trong gần 10 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát… đã ghi dấu những đóng góp tích cực của công tác đối ngoại.

3. Hòa cùng không khí sôi động của ngoại giao nhà nước, đối ngoại Hà Nội cũng đã có một năm hoạt động hiệu quả trên tất cả các kênh song phương, đa phương, kinh tế, văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân… Với 220 đoàn khách quốc tế đến trao đổi hợp tác cùng các chuyến công tác của lãnh đạo thành phố tới Anh, Ireland, Israel, Hoa Kỳ, Pháp, Italia, Cuba, Chile, Brazil…, Hà Nội đã thực hiện được mục tiêu mở rộng quan hệ hữu nghị, xây dựng mối liên kết trên nhiều lĩnh vực với các quốc gia cũng như các thành phố lớn trên thế giới. Qua đó, hình ảnh về một Hà Nội thanh bình, thân thiện, giàu tiềm năng đã được quảng bá tới bạn bè quốc tế.

“Không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng trên cả nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định như vậy trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra cuối tháng 12-2017.

Trong niềm vui chung của đất nước, có sự tự hào của những người làm công tác đối ngoại bởi thành công của một năm ngoại giao đầy dấu ấn đã góp phần tạo nên những bước tiến dài trong công cuộc phát triển, khẳng định uy tín, vị thế mới của đất nước trên bản đồ chính trị, kinh tế thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định bản lĩnh, vị thế Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.