Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kháng đa thuốc - thách thức lớn nhất trong phòng chống lao

Trúc Linh| 24/03/2013 06:31

(HNM) - Ngày 23-3, Bệnh viện Phổi trung ương phối hợp cùng Bệnh viện Phổi Hà Nội và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao (24-3) với chủ đề

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do bệnh lao trên thế giới đã giảm 40% kể từ năm 1990, tỷ lệ mắc bệnh lao cũng giảm dần; các công cụ mới điều trị bệnh lao đang giúp thay đổi việc ứng phó với căn bệnh này. Tuy nhiên, gánh nặng toàn cầu và những thách thức từ bệnh lao vẫn còn rất lớn. Cụ thể, trong năm 2011, khoảng 8,7 triệu trường hợp nhiễm lao mới và 1,4 triệu người chết do bệnh lao; hơn 95% số ca tử vong do bệnh lao xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Bệnh lao là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho phụ nữ ở độ tuổi từ 15 đến 44. Đáng lưu ý, có 0,5 triệu ca bệnh và 64.000 trường hợp trẻ em mắc lao tử vong trong năm 2011.

Bác sĩ tuyên truyền cách ứng phó với bệnh lao cho người bệnh.


Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong 22 nước có tỷ lệ lao lưu hành cao trên thế giới. Riêng tại Hà Nội, trong những năm gần đây, tỷ lệ lao phổi AFB(+) và các thể lao nặng (như lao màng não, lao xương khớp và các thể lao kết hợp…) có xu hướng giảm dần nhưng lao phổi AFB âm tính và lao ngoài phổi lại có xu hướng tăng. Tại một số khu vực của Hà Nội có mật độ dân số cao, điều kiện sống chật hẹp, người có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ… dễ mắc lao hơn các khu vực khác với tỷ lệ mắc lao ở lứa tuổi từ 15 đến 45 chiếm khoảng 50%.

Các bác sỹ của Bệnh viện Phổi trung ương cho biết, thách thức lớn nhất trong công tác phòng chống bệnh lao hiện nay là bệnh lao kháng đa thuốc. Theo số liệu của Chương trình chống lao (CTCL) quốc gia, tỷ lệ kháng đa thuốc ở nhóm người bệnh lao mới là 2,7%, còn nhóm đã điều trị là 19% (thành phố Hà Nội có khoảng 60 - 80 người bệnh lao kháng đa thuốc mỗi năm). Nguyên nhân phát sinh lao kháng đa thuốc là do người bệnh không tuân thủ y lệnh của thầy thuốc trong quá trình điều trị, việc kê đơn điều trị của thầy thuốc không đúng, chất lượng thuốc không bảo đảm, thực hiện việc giám sát người bệnh chưa tốt, do đột biến gen của vi khuẩn…

Điều trị bệnh nhân kháng đa thuốc - bước đầu hiệu quả

CTCL của Hà Nội hiện giao cho hai đơn vị đầu mối quản lý là Bệnh viện Phổi Hà Nội và Trung tâm Phòng chống lao & bệnh phổi Hà Đông. Đến nay, chương trình đã xây dựng được mạng lưới chống lao rộng khắp từ tuyến thành phố đến quận, huyện và xã, phường. Tuyến quận, huyện có các tổ chống lao và thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm đờm để phát hiện, quản lý người bệnh lao. Tuyến xã, phường có các cán bộ chuyên trách lao. Trong khoảng 5.000 bệnh nhân lao các thể được phát hiện mỗi năm trên địa bàn thành phố, tỷ lệ điều trị khỏi đối với lao phổi mới là hơn 90%, tuy nhiên, cũng như các tỉnh thành khác, Hà Nội đang đứng trước thách thức về tỷ lệ người bệnh lao/HIV tăng, đặc biệt là lao kháng đa thuốc.

Được sự chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị của CTCL quốc gia và UBND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam, CTCL Hà Nội đã triển khai thí điểm điều trị người bệnh lao kháng đa thuốc theo phác đồ chuẩn quốc gia từ đầu năm 2011 đến nay. Hiện tại, chương trình đã thu nhận và quản lý điều trị cho hơn 90 bệnh nhân lao kháng đa thuốc với kết quả bước đầu rất tốt. Việc phát hiện và quản lý người bệnh lao kháng đa thuốc hiệu quả sẽ làm giảm rất nhiều nguồn lây nguy hiểm mang vi khuẩn lao kháng đa thuốc, làm giảm chi phí điều trị, giảm tỷ lệ tử vong trong tương lai.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường cho biết, trong năm nay và các năm tiếp theo, CTCL Hà Nội tiếp tục tăng cường phát hiện những trường hợp mắc mới bằng cách phối hợp với các hệ thống y tế công và tư nhân; áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật chẩn đoán mới như: GeneXpert, nuôi cấy nhanh, kính hiển vi huỳnh quang đèn LED…; triển khai thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp ở các tuyến y tế cơ sở quận, huyện… Bên cạnh đó, CTCL cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông, vận động chính sách, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng nhằm khuyến khích sử dụng X quang phổi phát hiện sớm bệnh lao, phát hiện chủ động bệnh lao ở các đối tượng, đặc biệt là người nhiễm HIV, khu vực trại giam, trung tâm 05-06…

Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới chống lao 24-3

(HNM) - Ngày 23-3, Trung ương Đoàn phối hợp với UBND TP Hà Nội, Chương trình chống lao quốc gia tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3.

Trên thế giới, không một quốc gia, vùng miền nào lại không có người mắc bệnh lao; cứ 4 giây có một người bệnh lao bị chết và bệnh lao đang là gánh nặng sức khỏe của cộng đồng. Trung ương Đoàn, UBND TP Hà Nội và Chương trình chống lao quốc gia kêu gọi mọi người hành động nhằm chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người bệnh.

Tuấn Việt
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kháng đa thuốc - thách thức lớn nhất trong phòng chống lao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.