(HNM) - Chỉ còn 9 ngày nữa (6-1-2023), Nhà máy Thủy điện Hòa Bình sẽ tăng cường phát điện, bổ sung nguồn nước các sông: Hồng, Đà, Đuống, phục vụ Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố lấy nước gieo cấy vụ xuân 2023. Để sử dụng hiệu quả nguồn nước này, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi khẩn trương tu sửa các công trình, sẵn sàng vận hành khi mực nước cho phép.
Vụ xuân 2023, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố có nhiệm vụ cấp đủ và tạo nguồn nước phục vụ gieo cấy cho khoảng 81.128ha lúa. Khoảng 20 ngày nữa, nông dân các quận, huyện, thị xã của Hà Nội sẽ xuống đồng làm đất, gieo mạ, cấy trà xuân sớm. Tuy nhiên, quan sát trong ngày 26-12, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, mực nước các sông: Hồng, Đà, đoạn chảy qua các huyện: Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, thị xã Sơn Tây... vẫn còn ở mức rất thấp, không bảo đảm điều kiện vận hành các trạm bơm chính, như: Đan Hoài, Phù Sa, Ấp Bắc, Trung Hà, cống Liên Mạc... Cụ thể, hồi 7h ngày 26-12, mực nước sông Hồng (đoạn huyện Đan Phượng) chỉ đạt 1,06m, trong khi cao trình lấy nước của Trạm bơm Đan Hoài là 1,08m. Trên sông Đà (đoạn qua huyện Ba Vì), mực nước chỉ đạt 4,2m, trong khi cao trình cống lấy nước vào bể hút Trạm bơm Trung Hà là 6m...
Ngoài mực nước sông xuống thấp, các doanh nghiệp thủy lợi cho biết, nhiều công trình lấy nước đang bị hư hỏng, xuống cấp. Điển hình là Trạm bơm dã chiến Bá Giang, hạng mục máy bơm bị dơ dão, ống bơm bị mọt thủng; bể hút, bể xả, kênh dẫn bị sụt lún, nứt nẻ. Ngoài ra, hệ thống cấp điện của trạm bơm đã bị lão hóa, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy, đe dọa an toàn tính mạng công nhân quản lý, vận hành... Trên sông Nhuệ (đoạn từ quận Hà Đông đến huyện Thường Tín) tồn tại rất nhiều vị trí mặt cắt bị co hẹp; đáy sông bị bồi lắng 1,2-1,5m so với thiết kế, gây ách tắc dòng chảy... Từ thực tế trên, người dân các huyện: Đông Anh, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì... rất mong cơ quan chức năng có giải pháp bảo đảm khối lượng và chất lượng nước gieo cấy lúa xuân.
Liên quan đến việc này, Bộ NN&PTNT cho biết, vụ xuân 2023, các nhà máy thủy điện sẽ thực hiện 2 đợt điều tiết nước hồ thủy điện bổ sung cho hạ du các sông: Hồng, Đà, Đuống, phục vụ Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố khu vực trung du, Đồng bằng Bắc Bộ lấy nước gieo cấy lúa xuân. Đợt 1 sẽ bắt đầu từ 0h ngày 6-1-2023 đến 24h ngày 9-1-2023; đợt 2 sẽ bắt đầu từ 0h ngày 1-2 đến 24h ngày 8-2-2023...
Để sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết hồ thủy điện, bảo đảm đủ nước gieo cấy vụ xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã kiểm tra công trình, chấp thuận đề xuất của các doanh nghiệp thủy lợi về việc sửa chữa 72 hạng mục công trình lấy nước bị hư hỏng với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng... Đối với Trạm bơm dã chiến Bá Giang và lòng dẫn sông Nhuệ, Sở NN&PTNT đang xin ý kiến của các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND thành phố ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng công trình bảo đảm công tác quản lý, vận hành...
Thực tế, từ ngày 15 đến 20-12, Sở NN&PTNT Hà Nội đã kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước tại 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố. Qua kiểm tra, Đoàn công tác của Sở đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp công trình, nạo vét các cửa dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh mương; sửa chữa các cống lấy nước, thiết bị trạm bơm tưới, bảo đảm công trình sẵn sàng vận hành; hoàn thành lắp đặt trạm bơm dã chiến trong tháng 12 này. Các doanh nghiệp thủy lợi cần theo dõi chặt chẽ thông tin về nguồn nước để chủ động chỉ đạo điều hành công tác lấy nước; vận hành ngay các trạm bơm khi mực nước sông cho phép để tích trữ vào các khu trũng, hệ thống kênh mương; tiếp tục triển khai phương án, giải pháp thích ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa xuân...
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội ưu tiên bảo đảm nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tưới và trạm bơm dã chiến, đặc biệt là các trạm bơm đầu mối lớn. Các quận, huyện, thị xã được đề nghị khẩn trương hoàn thành công tác làm thủy lợi nội đồng; tăng cường tuyên truyền để người dân tích cực xuống đồng đưa nước lên ruộng, làm đất, gieo cấy, tránh lãng phí nguồn nước. Các quận, huyện, thị xã cũng cần kiên quyết giải tỏa công trình gây ách tắc dòng chảy, vi phạm pháp luật về thủy lợi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.