(HNMO) - Chiều 11-7, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 211/TB-UBND thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về việc giảm tải cho bến xe Mỹ Đình.
Theo đó, việc điều chuyển phương tiện nhằm giảm tải cho bến Mỹ Đình phải tuân thủ theo nguyên tắc khoa học hợp, hợp lý. Các tuyến theo hướng quốc lộ (QL) 1A, QL1B đi vào bến xe Gia Lâm. Các tuyến QL6, đường Hồ Chí Minh đi về bến Yên Nghĩa. Các tuyến theo QL 32 đi về bến Mỹ Đình. Các tuyến phía Nam theo hướng QL1, đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đi vào bến Giáp Bát và Nước ngầm. Nếu các bến xe không đủ điều kiện bố trí thì Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất các địa điểm đầu tư mới hoặc tạm thời; Sở GTVT tổ chức điều chuyển ngay 52 xe tuyến từ tỉnh Hòa Bình về sang bến Yên Nghĩa và điều chuyển có lộ trình hợp lý các phương tiện còn lại; Tổng công ty Vận tải Hà Nội thực hiện dự án mở rộng bến xe Mỹ Đình theo quy hoạch (diện tích 1,3ha phía sau bến).
UBND TP cũng giao Sở GTVT làm chủ đầu tư nghiên cứu, lập dự án và đầu tư xây dựng bến xe tạm tại bãi đỗ xe nút giao khu vực đường Pháp Vân-vành đai 3 (khoảng 6ha); xây dựng bến xe tại khu vực hồ điều hòa kết hợp công viên cây xanh trên đường Bắc Thăng Long-Nội Bài. TP cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù để triển khai sớm đưa các dự án vào khai thác vào cuối năm 2013. Bãi đỗ xe Đền Lừ chỉ làm bãi đỗ xe tĩnh kết hợp bãi đỗ xe trung chuyển hàng hóa, không chuyển đổi sang chức năng khác, kể cả chức năng thương mại. Với khu depot xe buýt Nam Thăng Long, giao Tổng công ty Vận tải Hà Nội tổ chức sắp xếp hợp lý, chuyển một phần chức năng depot xe buýt sang làm nơi đón trả khách các tuyến xe theo hướng QL2, QL3 để giảm tải cho bến xe Mỹ Đình; tổ chức trung chuyển hành khách bằng các tuyến buýt bến nối bến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của hành khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.