Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương khắc phục những hạn chế

Minh Phú| 09/09/2016 08:27

(HNM) - Đoàn công tác liên bộ thuộc Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vừa thẩm tra hồ sơ, khảo sát thực tế đối với các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức theo đề nghị của TP Hà Nội



Đóng góp ý kiến với 3 huyện, Đoàn công tác lưu ý các huyện cần đặc biệt quan tâm khắc phục những hạn chế, làm tốt các nội dung liên quan đến tiêu chí môi trường, xây dựng hạ tầng, nâng cao đời sống người dân.


Huyện Thanh Trì tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Ảnh: Anh Tuấn


Ba huyện đạt kết quả cao

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt, đến nay huyện đã hoàn thành xây dựng NTM tại 15/15 xã. Kinh nghiệm của huyện trong xây dựng NTM là ưu tiên bố trí nguồn lực kịp thời. Quá trình triển khai, đôi lúc kinh phí thành phố bố trí chậm, huyện đã ứng ngân sách cho các xã thực hiện. Thanh Trì cũng đã xây dựng Đề án về nhà văn hóa, môi trường để các địa phương tập trung thực hiện bài bản. Đối với nhóm tiêu chí về đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện chỉ đạo ưu tiên đầu tư, triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp, dự án hạ tầng khung và các công trình phục vụ an sinh xã hội.

Tại huyện Đông Anh, đã có 21/23 xã đạt chuẩn NTM; 2 xã chưa đạt là Dục Tú và Kim Nỗ cũng đã đạt lần lượt 15/19, 16/19 tiêu chí. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho hay, trong 5 năm xây dựng NTM, huyện đã huy động được 2.642 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó, nhân dân và doanh nghiệp đóng góp 382 tỷ đồng, đầu tư hàng trăm ki lô mét giao thông; hệ thống thủy lợi, điện nông thôn được đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất. Đối với hệ thống trường học, toàn huyện có 42/84 trường đạt chuẩn (chiếm 50%); các trường còn lại đều được đầu tư cơ sở vật chất, thường xuyên cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.

Ở huyện Hoài Đức hiện cũng đã có 17/19 xã đạt chuẩn NTM. Thực hiện xây dựng NTM, huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được 650ha cây ăn quả cho thu nhập cao (tăng 200ha so với năm 2010) và 31ha rau an toàn. Các mô hình trồng hoa lan nuôi cấy mô, hoa hồng, hoa ly, nấm cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng. Huyện còn có 51/53 làng có nghề, trong đó, 12 làng được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống đóng góp hiệu quả vào nâng cao đời sống nhân dân. Triển khai xây dựng NTM, nhân dân trên địa bàn huyện đã đóng góp 3.450 ngày công lao động, hiến hơn 20.000m2 đất và vật liệu xây dựng trị giá hàng tỷ đồng xây dựng nhiều công trình… Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện cả 3 huyện trên đều không để nợ vốn xây dựng cơ bản xây dựng NTM và được thành phố trình Trung ương thẩm định, xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt

Kiểm tra thực tế tại các địa phương, Đoàn công tác liên bộ thuộc Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đánh giá cao kết quả các huyện đạt được nhưng lưu ý các địa phương cần tập trung giải quyết những điểm còn tồn tại để về đích NTM thắng lợi.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lưu ý các huyện Thanh Trì và Hoài Đức cần đặc biệt quan tâm đến tiêu chí môi trường, đặc biệt là môi trường tại các làng nghề. Tại huyện Thanh Trì, mô hình Hội Phụ nữ xã Vạn Phúc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật mang đến nơi xử lý rất tốt nhưng việc thu gom cần thường xuyên và nhân rộng hơn. Việc xây dựng nghĩa trang cần thực hiện theo quy hoạch đã có.

Đối với huyện Hoài Đức, Đoàn công tác cho rằng huyện cần tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó đặc biệt ưu tiên tiêu chí môi trường tại các làng nghề chế biến nông sản. Đoàn cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội sớm hoàn thành việc xây dựng, đưa vào vận hành 3 nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn huyện để các tiêu chí xây dựng NTM được nâng chất theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm đến các chỉ tiêu về nước sạch, hệ thống thủy lợi để hạn chế ngập úng khi mưa bão... bởi đây là những vấn đề còn nhiều hạn chế ở các huyện.

Đoàn công tác đề nghị huyện Đông Anh có định hướng dài hạn trong phát triển làng nghề, đồng thời có giải pháp quyết liệt hơn để nâng cao chất lượng tiêu chí và hoàn thiện nốt các tiêu chí chưa đạt. Là vùng ven đô, kinh tế phát triển, nhà ở nông thôn có sự pha trộn giữa nông thôn và thành thị nên các địa phương cần có hướng dẫn về thiết kế nhà ở để nông thôn ngày càng đẹp hơn. Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết, sau thẩm tra, Đoàn công tác sẽ hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương xét công nhận tiêu chí NTM đối với 3 huyện của Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương khắc phục những hạn chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.