(HNM) - Sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 2 nhanh chóng suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền tỉnh Thanh Hóa và đi sâu vào khu vực Thượng Lào rồi tan dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, trung bình từ 100mm đến 200mm, cá biệt một số nơi mưa trên 200mm như đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) 324 mm; Văn Lý (Nam Định) 233 mm; Thanh Hóa 270 mm; Quỳ Châu (Nghệ An) 236mm... Lũ các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An lên nhanh. Tại các địa phương, công tác khắc phục hậu quả bão lũ được tiến hành khẩn trương để sớm ổn định đời sống người dân.
Người dân huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) lợp lại mái nhà sau trận lốc xoáy. Ảnh: TTXVN |
Sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm
Các địa phương đã khẩn trương triển khai nhiều phương án khắc phục hậu quả do bão số 2 gây ra. Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì lực lượng hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ với 340 phương tiện các loại thường trực phòng, chống cứu hộ, cứu nạn.
Tại Hà Nội, sáng 25-6, lãnh đạo Sở NN&PTNT và Văn phòng Ban chỉ huy PCLB TP đã có mặt tại các huyện ngoại thành Hà Nội chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa úng do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Ghi nhận của Hànộimới, tại trạm bơm dã chiến Yên Nghĩa, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ đã vận hành 14 máy bơm công suất mỗi máy 4.000m3/giờ kịp thời bơm tiêu cắt ngọn lũ sông Nhuệ và hỗ trợ việc tiêu thoát nước cho nội thành. Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, trên hệ thống trục sông Nhuệ, đơn vị thủy lợi đã vận hành 83 máy bơm tại 30 trạm khẩn trương tiêu úng. Tương tự, trên lưu vực sông Tích, 6 máy với công suất 24.000m3/giờ tại trạm bơm Thụy Đức, 1 máy công suất 4.000m3/giờ tại trạm bơm An Phú thuộc lưu vực sông Đáy và 51 máy tại 10 trạm của Công ty Thủy lợi Hà Nội đã vận hành hết công suất tiêu úng cho các khu vực bị ngập cục bộ. 150ha lúa tại huyện Thạch Thất bị ngập nhẹ, đến sáng 25-6, nước đã rút không gây thiệt hại. Trong ngày, người dân huyện Thạch Thất tập trung thu hoạch lúa xuân và chôn nước tại các cánh đồng để chuẩn bị làm đất gieo cấy vụ mùa. Tại các vùng trũng của Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, người dân đã kịp thời thu hoạch gần như xong 100% diện tích lúa. Ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện các đơn vị thủy lợi đang phối hợp với địa phương khoanh vùng từng khu vực tiêu úng cho diện tích mạ mới gieo. Văn phòng Ban chỉ huy PCLB thành phố cho biết, tại các hồ chứa như Đồng Sương và Văn Sơn (huyện Chương Mỹ) do mưa rả rích kéo dài đã vượt ngưỡng tràn. Do đó, các chủ hồ và địa phương cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra nếu tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới.
Tại Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng đã chia nhiều đoàn trực tiếp chỉ đạo các huyện vùng núi, kiểm tra các phương án di dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét như các vùng ven sông, ven suối, chân đồi tại các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Mường Lát… Tại một số xã của huyện Quan Hóa, công tác di dời dân được tiến hành từ đêm 24-6.
Tại Lào Cai, đã tổ chức di dời 130 hộ dân tại những vùng có nguy cơ sạt lở ở các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa, Bảo Yên, Bảo Thắng.
Tại Hải Phòng, cùng với việc khắc phục hậu quả lốc xoáy tại huyện Thủy Nguyên, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai biện pháp khắc phục hậu quả giông lốc. Huyện Cát Hải đã tập trung di dân từ các bè nuôi thủy sản trên vịnh và các hộ giáp bờ biển đến nơi an toàn. UBND TP Hải Phòng đã hỗ trợ 10 triệu đồng cho gia đình có người bị chết, 3 triệu đồng cho người bị thương nặng, 1 triệu đồng cho người bị thương nhẹ; 10 triệu đồng cho nhà bị sập, 5 triệu đồng cho nhà bị tốc mái hoàn toàn...
Tối 24-6, đã xảy ra lũ quét tại một số xã của huyện Tương Dương, Kỳ Sơn (Nghệ An). Tại 3 bản của xã Yên Tĩnh (Tương Dương), lũ quét đã làm 76 nhà dân, 3 trường học và trụ sở UBND xã bị ngập, 2 nhà dân bị lũ cuốn trôi… Hiện cả 3 bản trên bị ngập và cô lập với bên ngoài. Ngày 25-6, đoàn công tác của huyện Tương Dương đã có mặt tại các xã bị cô lập, giúp người dân sơ tán khỏi nơi nguy hiểm và nắm diễn biến tiếp theo của lũ để sẵn sàng đối phó.
Chủ động ứng phó lũ trên sông
Sáng 25-6, Ban chỉ đạo PCLB trung ương tiếp tục yêu cầu các địa phương tích cực chỉ đạo nông dân thu hoạch lúa; chủ động tiêu nước ở những khu vực ngập úng để bảo vệ lúa mùa, nhất là những trà chưa thu hoạch. Tiếp tục theo dõi mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở khu vực các tỉnh miền núi, chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Ban Chỉ đạo PCLB trung ương yêu cầu, Ủy ban quốc gia TKCN, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các tỉnh tiếp tục huy động lực lượng tổ chức tìm kiếm tàu cá của ngư dân Thanh Hóa chưa liên lạc được và số người bị mất tích do lũ, chìm tàu tại Yên Bái và Nghệ An.
Trước tình hình lũ trên các sông ở khu vực Bắc Trung bộ đang lên nhanh, ngày 25-6, Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB trung ương đã có Công điện khẩn yêu cầu các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức triển khai phương án phòng, chống lũ bảo đảm an toàn đê điều; đồng thời tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý khi sự cố phát sinh. Trong đó, đặc biệt quan tâm chỉ đạo bảo đảm an toàn 2 cống đang thi công trên đê sông Lam, sông La là cống Nam Đàn (Nghệ An) và cống Đức Xá (Hà Tĩnh). Chỉ đạo sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ven sông suối, khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất; hạ lưu các hồ chứa có nguy cơ xảy ra sự cố; khu vực ngoài bãi sông…
Bão số 2 đã làm 15 người chết (Hải Phòng 7 người, Yên Bái 4 người, Nam Định 3 người, Thanh Hóa 1 người); 11 người mất tích và hàng chục người bị thương; 30 nhà đổ sập và gần 1.000 nhà bị hư hại; khoảng 4.000ha diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng; 13 tàu, thuyền bị chìm và hư hỏng... Bộ đội Biên phòng đã thông báo đến hơn 61.000 tàu thuyền, với gần 260.000 ngư dân vào nơi trú tránh an toàn. Tuy nhiên, hiện còn một tàu cá TH-90526 với 10 lao động của một chủ tàu trú tại thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa) trên đường chạy về bờ tránh bão bị mất liên lạc. Ủy ban quốc gia TKCN, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng đang tổ chức tìm kiếm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.