(HNM) - Mưa dông kèm lốc xoáy xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội chiều tối 13-6, đã gây ra những thiệt hại không nhỏ...
Sáng 14-6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đi kiểm tra thực tế và triệu tập cuộc họp khẩn cấp đánh giá tình hình khắc phục hậu quả và chỉ đạo những việc cần làm ngay để giúp người dân ổn định cuộc sống, bảo đảm ATGT và vệ sinh môi trường...
Công nhân Công ty Điện lực Hoàn Kiếm xử lý sự cố lưới điện trên phố Trần Quốc Toản. Ảnh: Thài Hiền |
Thiệt hại nghiêm trọng
Theo báo cáo nhanh của các sở, ngành và UBND các quận, cơn mưa dông xảy ra vào cuối giờ chiều 13-6 kèm gió lốc, với mức giật cấp 8, cấp 9, tuy lượng mưa không lớn, nhưng gió mạnh gây tác hại trên diện rộng. Đặc biệt ven các hồ, vùng thấp giữa các nhà cao tầng, gió giật tăng lên vài cấp, đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với người, phương tiện tham gia giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Hơn 1.000 cây xanh bị đổ, gãy (trong đó nhiều cây cổ thụ); nhiều cột bê tông của lưới điện, cột thép bị đổ, nghiêng, gây mất điện trên diện rộng. Thống kê ban đầu cho thấy có 2 người chết (tại quận Hai Bà Trưng), hàng chục người bị thương, 25 ô tô và khá nhiều xe máy bị hư hại. Nguyên nhân thiệt hại được xác định là cơn lốc xoáy mạnh, nhiều cây cổ thụ tán rộng nên đã bị bật gốc; quy hoạch dây cáp ngành viễn thông Hà Nội chưa phù hợp, vẫn có nhiều địa bàn đi nổi trên các cột điện, gây quá tải; biển quảng cáo của các tổ chức, cá nhân lắp đặt chưa kiên cố, thiếu kiểm tra, lâu ngày ốc, vít gỉ dẫn đến rơi khi gió mạnh, mưa to… Ở vùng ngoại thành, theo Sở NN&PTNT - cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố thì vào thời điểm xảy ra cơn lốc, không có mưa lớn và dông mạnh, không có điểm úng ngập và cũng chưa thống kê có thiệt hại về tài sản.
Ngay sau khi xảy ra dông, lốc, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng của thành phố, UBND các quận, huyện khẩn trương xử lý, khắc phục. Sở Xây dựng đã chỉ đạo các công ty trực thuộc phối hợp với các lực lượng như Bộ Tư lệnh Thủ đô, Cảnh sát PC&CC, CSGT, Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng khắc phục nhanh những sự cố về cây xanh, chiếu sáng, môi trường, thoát nước, bảo đảm ATGT trên các tuyến phố của 12 quận. UBND các quận cũng huy động lực lượng "4 tại chỗ", cùng với các ngành chức năng xử lý hiện trường, thu gom cây đổ, cành gãy vào lề đường. Riêng ngành điện đã rất cố gắng khắc phục sự cố, cơ bản cung cấp điện trở lại vào lúc 23h cùng ngày; chỉ còn một vài điểm chưa khắc phục được do ngõ nhỏ thuộc các quận nội thành xe không vào được...
Là địa bàn thiệt hại nặng nhất sau cơn lốc, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Hiếu cho biết, cả 20 phường trên địa bàn quận đều có cây đổ, trong đó xác định 207 cây, 25 cột điện đổ, 11 ô tô bị móp bẹp, 1 cột ăng ten đổ vào nhà dân, một số nhà bị tốc mái. Thời điểm lốc xoáy, 2/3 địa bàn quận mất điện. Ngay sau đó, UBND quận đã huy động lực lượng tại chỗ khắc phục sự cố trong đêm và 23h thì sinh hoạt của người dân trở lại bình thường. Quận Hai Bà Trưng đã chủ động thăm hỏi, trợ giúp gia đình bị nạn, bảo đảm ANTT. Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cũng đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các lực lượng khắc phục tối đa các cây, cột đổ, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; sớm khôi phục lại hệ thống điện, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước phục vụ sinh hoạt của người dân.
Quận Hoàng Mai có 14 phường bị ảnh hưởng nặng với 514 cây đổ, 22 nhà tốc mái, nhiều ô tô móp bẹp, 10 cột điện đổ; 1 người bị thương. UBND quận đã huy động lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ, bảo đảm giao thông và kiến nghị với ngành điện khắc phục sự cố hệ thống điện tại khu vực phố Trương Định.
Năm nhiệm vụ phải làm ngay
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, cơn dông, lốc rất mạnh đã gây thiệt hại lớn, chủ yếu tập trung ở các quận nội thành và vùng ven có mật độ dân số cao. Sau quận Hai Bà Trưng thiệt hại nặng nhất là quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai; các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ… có bị thiệt hại nhưng nhẹ hơn. Nguyên nhân gây thiệt hại chính là do cây đổ, gãy, trong đó nhiều cây to, đường kính lớn. Ngay trong đêm 13-6, thành phố đã huy động các ngành chức năng và lực lượng tổng hợp vào cuộc khắc phục ngay, bảo đảm giao thông thông suốt, không để cuộc sống của người dân bị xáo trộn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo khắc phục hậu quả tại phố Trương Định (quận Hoàng Mai). Ảnh: Viết Thành |
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hoan nghênh các lực lượng của thành phố như công an, quân đội phối hợp với các lực lượng khác thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", lăn lộn trong mưa gió đối phó, khắc phục tình huống khẩn cấp về thiên tai ngay trong đêm; quá trình làm nhiệm vụ, không để xảy ra sự cố đáng tiếc. UBND các quận đã huy động các lực lượng, chỉ đạo trực tiếp hiện trường, tổ chức phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn về người và tài sản, ANTT trên địa bàn. Đến sáng 14-6, cơ bản mọi việc trở lại bình thường, giao thông thông suốt, điện lưới đã cơ bản khắc phục; rất đáng tiếc đã xảy ra 2 trường hợp tử vong và 7 trường hợp bị thương.
Xác định 5 nhiệm vụ phải làm ngay nhằm tiếp tục khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các ngành chức năng, chủ tịch UBND các quận, huyện tiếp tục chỉ đạo rà soát cây xanh đổ, gãy; tổ chức thu dọn hiện trường, kiểm đếm chính xác, phân loại cây đổ, gãy, đưa về kho lưu trữ theo trình tự, lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Xây dựng khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các quận, huyện huy động lực lượng thu dọn, bảo đảm vệ sinh môi trường xong trong sáng 14-6. Công ty Điện lực Hà Nội, Sở TT-TT chỉ đạo khẩn trương khôi phục đường dây thông tin, lưới điện ở những địa bàn chưa khắc phục ngay tối 13-6 để ổn định sinh hoạt, đời sống của nhân dân.
Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội rà soát số người thương vong, tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời. Các sở, ngành chức năng và quận, huyện cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, có giải pháp khắc phục từng việc như: Cây đổ, cột điện đổ, nhà tốc mái, rơi biển quảng cáo; đề xuất, xây dựng các phương án xử lý nếu tiếp tục có tình trạng thiên tai khẩn cấp xảy ra. Đặc biệt, Chủ tịch UBND nhấn mạnh, các ngành, địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền ổn định tinh thần nhân dân và kêu gọi nhân dân chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai tại chỗ. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố cần tổ chức ứng trực, bám sát dự báo, thông tin để thành phố và các ngành chức năng chủ động phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các Phó Chủ tịch UBND thành phố ứng trực, xử lý tình huống khẩn cấp theo lĩnh vực được phân công; Sở Tài chính xem xét, cân đối nguồn kinh phí dự phòng để có kế hoạch hỗ trợ, xử lý với trường hợp thiên tai khẩn cấp; chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ huy các lĩnh vực trên địa bàn, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.
Ngay sau kết thúc cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã đi thị sát, kiểm tra tình hình khắc phục cây đổ ở số 48 phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm), nơi mất điện ở phố Trần Xuân Soạn, Trương Định (Hoàng Mai). Tại các nơi đến, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng phải ưu tiên nối điện, bảo đảm ổn định sinh hoạt cho nhân dân; huy động tối đa lực lượng "4 tại chỗ", thu gom cây không để ảnh hưởng đến giao thông, tài sản của Nhà nước, nhân dân.
Cây gãy đổ là nguyên nhân chính gây thiệt hại Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân gây thiệt hại chính khi dông lốc xảy ra là cây gãy đổ, trong đó nhiều cây to, đường kính lớn. Sở Xây dựng cho biết, cơn mưa dông đã làm hơn 1.000 cây xanh bị đổ, gãy gồm xà cừ, bằng lăng, phượng, muồng… Trong đó, có 34 cây xà cừ đường kính lớn. Cũng trong số cây gãy đổ trên địa bàn 12 quận, phần lớn có rễ nông, ăn ngang, cành giòn (muồng, bằng lăng, phượng...). Quận Hoàn Kiếm có 86 cây gãy đổ, quận Hai Bà Trưng có 207 cây, quận Đống Đa có 96 cây, quận Hoàng Mai khoảng 500 cây... Nhiều cây gãy đổ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông như nút Nguyễn Du - Quang Trung (4 cây xà cừ), nút Hồ Xuân Hương - Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước số nhà 51 Nguyễn Thái Học, số 110 Minh Khai (2 cây xà cừ)... Cây xanh gãy đổ đè lên đường dây, cáp điện, làm bật vỉa hè và các ống cáp ngầm dẫn đến mất điện sinh hoạt và chiếu sáng đường phố, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.