(HNM) - Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 50 Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương (ABU) với chủ đề
Bước chuyển có lộ trình, chủ động
Tại phiên khai mạc ABU, Ông Naoji Ono - Phó Chủ tịch điều hành Đài PTTH quốc gia Nhật Bản (NHK), Quyền Chủ tịch Hiệp hội Phát thanh truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương nêu rõ: Việc ABU chọn chủ đề liên quan đến kỷ nguyên số là bởi khán, thính giả trẻ ngày nay không còn xem tivi nhiều như trước, họ dành nhiều thời gian để lướt web, xem video trên mạng. Ngành PTTH các nước phải tìm cách thu hút khán giả của mọi phân khúc, bằng cách tận dụng lợi thế có được từ công nghệ số.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc áp dụng công nghệ mới cũng như chuyển đổi từ phương thức PTTH truyền thống sang kỹ thuật số diễn ra ở mỗi quốc gia, khu vực có giống nhau không? Kinh nghiệm của các thành viên hiệp hội được chia sẻ trong dịp này chính là cơ sở để các đơn vị PTTH tự chọn cho mình một lộ trình và bước đi thích hợp. Một đại biểu Trung Quốc cho biết, hiện nay, ở quốc gia này, một bộ phận lớn khán, thính giả vẫn trung thành với PTTH theo phương thức truyền thống. Công nghệ mới, trong đó có internet, tự nó đặt ra yêu cầu thiết lập nền tảng vững chắc, đồng thời không ngừng phát triển thì mới có thể tạo cơ sở cho việc chuyển đổi từ phương thức PTTH truyền thống sang hiện đại. Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc chuyển đổi sang công nghệ mới ở nước này là một quá trình dài lâu, khoảng 10 năm. Ngoại trừ thế hệ trẻ, nhiều lớp khán giả không thể ngay một lúc làm quen được với phương thức PTTH mới. Tại quốc gia này, công nghệ truyền hình truyền thống và công nghệ số đang tồn tại song song, các chương trình sân khấu, phim ảnh phát trên truyền hình vẫn thu hút được một lượng lớn khản giả. Như ở Osaka, có tới 50,2% số hộ gia đình theo dõi thường xuyên các chương trình này và do đó, nhà đài không thể thờ ơ với nhu cầu của công chúng, vẫn chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng các chương trình sân khấu, phim ảnh truyền hình. Tuy nhiên, các đồng nghiệp Nhật Bản vẫn sử dụng internet để thu hút khán giả. Như với phim "Người cộng sự" - do VTV và NHK phối hợp sản xuất, vừa được phát sóng trên truyền hình Việt Nam và Nhật Bản, người ta đã từng thăm dò ý kiến khán giả qua mạng, kết quả là đã nhận được 1,7 triệu lượt phản hồi, qua đó nhà sản xuất chương trình biết mình cần phải có thay đổi gì trong tương lai.
Không còn nghi ngờ gì nữa, công nghệ mới tạo gương mặt mới cho PTTH và Việt Nam không nằm ngoài xu thế ấy. Theo ông Javad Mottaghi, Tổng Thư ký ABU, Việt Nam nằm trong số quốc gia có dân số trẻ và 71% số người dùng internet ở độ tuổi 15-24. Đó vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với PTTH trong việc thu hút khán giả nhiều hơn. Trao đổi với Hànộimới, ông Didier Shepens - Giám đốc bán hàng của hãng cung cấp các giải pháp quản lý mạng và dịch vụ truyền thông Skyline (đơn vị đối tác của AVG, VTV, NHK, VTC…) khẳng định: Việt Nam có đủ nguồn nhân lực cho việc triển khai công nghệ truyền hình mới.
Tuy thế, việc chuyển đổi công nghệ ở Việt Nam cũng đặt ra vấn đề về bản quyền, như ông Yoshi-nori Naito (Đài NHK) thì cần phải có công nghệ tương xứng để bảo vệ bản quyền các chương trình truyền hình trên internet.
Lợi ích của khán giả là trên hết
Các đại biểu đều có chung nhận định rằng công nghệ không phải là tất cả, điều cốt yếu nhất vẫn là khán giả, trong đó, hoạt động tương tác giữa nhà đài với công chúng có ý nghĩa quyết định nội dung và chất lượng chương trình. Đài NHK đã đầu tư cho việc nghiên cứu thị trường thông qua các công ty, viện nghiên cứu độc lập nhằm tìm kiếm ý tưởng cho các chương trình mới, quyết định cho khán giả xem gì và xem lúc nào. Một đại biểu cho rằng, thậm chí, đối với các chương trình sản xuất nhiều tập thì khán giả có thể tham gia vào việc xây dựng, phát triển nội dung. Như "Women & girls lead", một chương trình hướng tới khán giả nữ, ra đời trên cơ sở điều tra xã hội học về đối tượng khán giả này.
Bà Sabine Claudia Franze, quản lý Dự án phát triển truyền thông khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Malaysia chia sẻ: Nếu muốn đưa các chương trình truyền hình truyền thống lên internet thì phải thay đổi về hình thức cho phù hợp với công nghệ và sự tiếp cận của khán giả. Có thể chia chương trình thành những đoạn nhỏ, chú ý tới phân khúc khán giả…
Phải nói rằng, mô hình sử dụng công nghệ để thu hút khán giả, tạo ra nội dung chương trình, truyền tải tới công chúng bằng nhiều dạng khác nhau, tận dụng khả năng tương tác với công chúng đang trở thành xu thế phổ biến của PTTH khu vực và thế giới. Tại Việt Nam, có thể thấy rõ trong nhiều chương trình gần đây, đặc biệt là kênh truyền hình VTV6, VOV giao thông…, tính tương tác với công chúng ngày một rõ nét. Đề án số hóa TH Việt Nam đến năm 2020 mà Chính phủ đã phê duyệt cũng đặt mục tiêu cao nhất là lợi ích của khán giả, tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ mới. Chính sách vĩ mô đúng đắn mở hướng đi thích hợp, bao gồm lộ trình cụ thể để phát triển PTTH Việt Nam trong tương lai gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.