Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khan hiếm lao động giúp việc gia đình dịp Tết

Minh Vũ| 17/01/2020 08:11

(HNM) - Sử dụng người giúp việc là nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình, nhất là những gia đình có con nhỏ, người già, người ốm đau, bệnh tật… vào dịp Tết Nguyên đán. Trong khi đó, nguồn cung ứng lao động đặc thù này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Do đó, về lâu dài, cần đặt ra yêu cầu kết nối cung - cầu lao động theo hướng chuyên nghiệp.

Nguồn cung lao động giúp việc gia đình dịp Tết hiện mới đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế.

Nỗi niềm từ hai phía

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, anh Lê Minh Quân, ngõ 67 phố Tây Sơn (quận Đống Đa) cho biết, sắp tới là dịp bố, mẹ anh kỷ niệm 30 năm ngày cưới nên gia đình đã đặt vé đi du lịch nước ngoài vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng không may, bà nội anh vừa bị ngã, gây chấn thương. “Trước tình huống này, gia đình tôi quyết định tìm người giúp việc với mức tiền công 8 triệu đồng cho 10 ngày, từ 26 tháng Chạp năm Kỷ Hợi, đến 6 tháng Giêng năm Canh Tý. Tuy nhiên, sau 5 ngày đăng tải thông tin, gia đình tôi vẫn chưa tìm được người giúp việc phù hợp”, anh Lê Minh Quân cho hay.

Trường hợp khác đang sốt sắng tìm người giúp việc vào dịp Tết là chị Trần Thu Lê, ngõ 294/2, phố Kim Mã (quận Ba Đình). Gia đình chị Lê có con nhỏ, nên muốn tìm người đảm nhận việc dọn dẹp nhà cửa, trông trẻ em, với tiền công 900.000 đồng/ngày. “Sau 8 ngày đăng thông tin, nhiều người đã chủ động liên lạc với tôi. Tuy nhiên, người đáp ứng được yêu cầu tôi đưa ra, thì họ đòi hỏi mức tiền công cao hơn; còn người đồng ý, thì tôi lại chưa ưng”, chị Trần Thu Lê phản ánh.

Về phía người giúp việc, họ cũng có những nỗi niềm riêng. Trò chuyện với phóng viên tại một trung tâm tư vấn giúp việc gia đình trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), chị Nguyễn Thị Ngạn, quê xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: "Tôi và một số người đồng hương xuống Hà Nội tìm công việc giúp việc gia đình vào dịp Tết với mong muốn có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Do chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi không dễ tìm được việc làm”.

Từ kinh nghiệm kết nối cung - cầu giúp việc gia đình nhiều năm, bà Nguyễn Thị Hồng Doan, Trung tâm Giúp việc Hồng Doan (đường Trung Yên 10B, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho rằng, những gia đình có nhu cầu sử dụng người giúp việc vào dịp Tết thường đòi hỏi người lao động phải có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Trong khi đó, đa số lao động giúp việc gia đình trong dịp Tết là những người có hoàn cảnh khó khăn, đến từ vùng nông thôn, miền núi, chưa có kinh nghiệm, nên hai bên khó tìm được điểm chung...

Tăng cường kết nối cung - cầu

Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời điểm cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu tuyển dụng lao động giúp việc gia đình tăng đột biến, khoảng 30-40%, tương ứng với hàng nghìn vị trí việc làm. Hiện tại, Trung tâm Giúp việc 88, đường Trần Bình (quận Cầu Giấy) đang có khoảng 600 gia đình cần tìm người giúp việc vào dịp Tết với tiền công trung bình có thể chi trả khoảng 400.000-700.000 đồng/người/ngày; 80.000-150.000 đồng/người/giờ.

Nhằm hạn chế rủi ro cho cả hai phía, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức một số phiên giao dịch việc làm thời vụ, trong đó có không ít vị trí việc làm dành cho lao động giúp việc gia đình. Trung tâm đưa ra khuyến cáo người lao động và người sử dụng lao động nên kết nối cung - cầu thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín; tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký, trao đổi. Người lao động tuyệt đối không giao tiền, giấy tờ tùy thân cho những người không quen biết để xin việc…

Tuy nhiên, để việc kết nối cung - cầu cho lao động giúp việc gia đình nói chung, vào dịp Tết Nguyên đán nói riêng diễn ra theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu đưa nghề giúp việc gia đình vào đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo khung chương trình thống nhất…

Đồng quan điểm này, bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng dẫn chứng, đơn vị này đã tiến hành nhiều đợt khảo sát về lao động giúp việc gia đình tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Kết quả cho thấy, hiện có khoảng 90% lao động giúp việc gia đình chưa qua đào tạo nghề. “Giúp việc gia đình là một nghề chuyên nghiệp, được quy định rõ trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 và các quy định khác liên quan, nhưng đến nay, nghề này chưa có trong các chương trình đào tạo chính thức như các nghề khác”, bà Ngô Thị Ngọc Anh cho hay.

Trước những bất cập đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã phối hợp với một số đơn vị chức năng thực hiện Dự án “Thúc đẩy quyền của lao động giúp việc gia đình trong việc tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm ở Việt Nam” giai đoạn 2017-2021. Dự án được triển khai thí điểm ở những địa phương tập trung nhiều lao động giúp việc gia đình như quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng…

Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở sẽ hướng dẫn các đơn vị, địa phương khảo sát chi tiết về thị trường lao động, qua đó nắm bắt nhu cầu thực tế của nghề giúp việc gia đình để đề xuất các giải pháp kết nối cung - cầu phù hợp, hiệu quả. Như thế, không chỉ giúp khắc phục tình trạng khan hiếm lao động giúp việc gia đình trong những dịp cao điểm như Tết, mà còn thúc đẩy hình thành một thị trường lao động đặc thù, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp hay lao động nhàn rỗi...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khan hiếm lao động giúp việc gia đình dịp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.