(HNM) - Làng gốm cổ ở Biên Hòa không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn gắn với văn hóa, lịch sử hơn 300 năm của vùng đất Đồng Nai. Đã có một thời xuất khẩu gốm của Biên Hòa còn vươn lên đứng đầu cả nước.
Vài năm trở lại đây, đứng trước nguy cơ nhiều cơ sở sản xuất gốm phải đóng cửa, UBND tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương hỗ trợ di dời, bảo tồn và phát triển làng nghề này về cụm ngành nghề gốm Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Tuy nhiên, từ chủ trương đúng đắn đó khi triển khai các cơ quan thực thi đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) bức xúc về cách làm.
Quyết định mang lại hy vọng cứu sống làng nghề
Khi chúng tôi tìm về làng gốm Biên Hòa, rất nhiều người thợ thủ công ở đây không giấu nổi sự tự hào nhưng cũng đầy tiếc nuối về truyền thống nghề của một vùng đất. Với những người am hiểu về gốm, nói đến gốm Biên Hòa là nhớ ngay đến hai dòng gốm nổi tiếng là gốm trang trí và gốm đen. Gốm Biên Hòa có những nét đặc sắc riêng cuốn hút nhiều người nước ngoài, vì thế có đến hơn 90% sản phẩm gốm được xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ…
Tuy nhiên thời huy hoàng nay đã không còn. Trao đổi với chúng tôi, ông Vòng Khiềng, Tổng Thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai bùi ngùi rằng, do những khó khăn liên tục nhiều năm qua, hiện nay có nhiều cơ sở, DN sản xuất gốm trên địa bàn thành phố Biên Hòa đã ngừng hoạt động hoặc chuyển sang ngành nghề khác, một số DN trước đây còn tha thiết với nghề gốm, nhưng tới thời điểm này không còn đủ khả năng tài chính để tiếp tục đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc. Nếu năm 2001, toàn tỉnh có trên 300 cơ sở sản xuất gốm tập trung ở thành phố Biên Hòa thì đến năm 2010 giảm xuống còn khoảng 100 cơ sở và đến nay chỉ còn hơn 40 cơ sở. Số cơ sở sản xuất gốm giảm, kéo theo lao động làm nghề này cũng giảm khoảng 70% so với năm 2001.
Trước tình hình này, ngày 19-3-2012, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 21/2012/QĐ-UBND, kèm theo quy định về chính sách hỗ trợ, di dời và phát triển các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ truyền thống trên địa bàn thành phố Biên Hòa vào cụm ngành nghề gốm Tân Hạnh tại xã Tân Hạnh. Theo đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% tổng mức vốn đầu tư hạ tầng (khoảng 138 tỷ đồng), DN chỉ phải đóng 40% và nộp dần trong vòng 5 năm kể từ khi đi vào hoạt động trong cụm gốm. Chủ trương này đã được một cán bộ Sở Công thương Đồng Nai "ca ngợi" rằng: "Quyết định 21 đã cứu ngành gốm trong tình trạng suy sụp như hiện nay. Từ trước tới nay, đây là gói hỗ trợ lớn nhất của tỉnh. Điều đó cho thấy Tỉnh ủy và UBND tỉnh rất quan tâm đến nghề truyền thống này!".
Triển khai bất hợp lý, thiếu công bằng
Có lẽ không có gì đáng bàn nếu như cơ quan chức năng dựa vào "kim chỉ nam" là Quyết định 21 của UBND tỉnh Đồng Nai để thực hiện. Tuy nhiên UBND thành phố Biên Hòa, cơ quan được giao thực hiện chủ trương lại khiến DN gốm bức xúc. Cụ thể, ngày 25-5-2012, UBND thành phố Biên Hòa đã mở hội nghị triển khai thực hiện Quyết định 21 của UBND tỉnh và công bố diện tích đất bố trí trong cụm gốm Tân Hạnh khiến DN ngỡ ngàng: Hàng loạt DN được cấp đất ít hơn so với diện tích cũ, không bảo đảm cho sản xuất, trái với quy định tại Quyết định 21 của UBND tỉnh Đồng Nai: "Diện tích bố trí cho các cơ sở sản xuất gốm tại cụm gốm Tân Hạnh tối thiểu phải bằng với diện tích tại vị trí cũ".
Đơn cử, Công ty Gốm Việt Thành đăng ký diện tích 40.000m2, được duyệt 25.000m2; HTX Thái Dương đăng ký 38.000m2, được duyệt 25.000m2; cơ sở Trung Dũng 1 đăng ký 10.000m2, được duyệt 2.000m2; DN tư nhân Hồng Hưng 2 đăng ký 10.000m2, được duyệt 3.000m2. Công ty CP Mỹ thuật Gốm Việt đăng ký hơn 10.000m2, chỉ được duyệt 5.000m2… Có những DN phải xin thêm thì diện tích mới được nâng lên đạt 50% nhu cầu… Một DN gốm bức xúc rằng, với diện tích đất được "ban cho" như vậy, DN làm gốm vào đó… chỉ đủ làm nơi chứa nguyên liệu, còn sản xuất ở đâu, chẳng khác gì triệt tiêu ngành nghề!
Quyết định 21 của UBND tỉnh còn nêu, Nhà nước hỗ trợ 60% đầu tư hạ tầng, DN chỉ đóng 40%, tuy nhiên Công ty CP Mỹ thuật Gốm Việt và DNTN Gốm Mai Phương lại bị Phòng Kinh tế của UBND thành phố Biên Hòa "áp" mức hỗ trợ 60% cho một nửa diện tích mặt bằng, còn lại phải đóng 100%.
Chưa hết, quy định tại Quyết định 21 của UBND tỉnh còn nêu rõ: "Cụm gốm Tân Hạnh được quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để bố trí cho các cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn thành phố Biên Hòa phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Cụm gốm này không bố trí các ngành nghề sản xuất khác". Tuy nhiên trong bảng danh sách xét duyệt của UBND thành phố Biên Hòa xuất hiện 2 DN "lạ" không thuộc các phường, xã sản xuất gốm mỹ nghệ là Công ty L.N ở phường Tam Hiệp và Công ty G.T ở phường Bình Đa. Thậm chí, Công ty Sản xuất gạch men K và Công ty T.D không sản xuất gốm nhưng vẫn được liệt kê vào trong danh sách xét duyệt đợt 3. Những DN "lạ" còn được UBND TP đề xuất bố trí mặt bằng với diện tích nhiều hơn như Công ty G.T là 5.000m2, Công ty T.D là gần 30.000m2.
Điều đáng nói, UBND Đồng Nai cũng tự mâu thuẫn với chính mình khi Quyết định 21 ký tháng 3-2012 còn "chưa ráo mực" thì tháng 8-2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh lại ký tiếp văn bản 5735 chấp thuận phương án xét duyệt của UBND thành phố Biên Hòa và Sở Công thương, cho những DN "lạ" và cả DN sản xuất gạch men được vào cụm gốm Tân Hạnh.
Theo Hiệp hội Gốm, bên cạnh cách bố trí diện tích không bảo đảm, việc xây dựng hạ tầng của cụm gốm Tân Hạnh cũng quá chậm khiến chi phí đội lên cao, DN gốm phải "cõng" khoản tiền này (mỗi cơ sở phải đóng từ 600 triệu đồng đến 7,5 tỷ đồng), do đó khó khăn sẽ chồng lên khó khăn.
Mặt khác, theo quy hoạch phát triển ngành gốm mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai: "Ngành gốm mỹ nghệ là ngành nghề truyền thống lâu đời của tỉnh Đồng Nai, thể hiện lịch sử, văn hóa và con người Đồng Nai, do đó ngành gốm mỹ nghệ được xác định là ngành ưu tiên khuyến khích đầu tư phát triển". Tuy nhiên theo cách bố trí vào cụm gốm Tân Hạnh nêu trên của UBND thành phố Biên Hòa và được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận thì chỉ bảo đảm một vế sản xuất theo Quyết định 21 của UBND tỉnh. Vế khác quan trọng không kém là "bảo tồn làng nghề truyền thống" lại không đạt. Bởi cụm gốm Tân Hạnh không nên chỉ có những DN với ống khói, mà phải có các công trình bổ trợ lẫn nhau như khu vực du lịch tham quan, khu văn hóa trưng bày gốm sứ, bảo tàng… Tất cả phải phối hòa với nhau hình thành một quần thể không tách rời. Ông Vòng Khiềng cho biết, hiệp hội đã làm cả một phương án về mô hình sản xuất và bảo tồn văn hóa gốm ở Biên Hòa, tuy nhiên không được các nhà quản lý kinh tế quan tâm.
Những chính sách bất hợp lý, thiếu công bằng trong việc di dời, bảo tồn và phát triển các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ truyền thống trên địa bàn thành phố Biên Hòa chắc chắn sẽ làm làng nghề truyền thống này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.