Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn cấp bảo đảm an toàn đê điều

Kim Nhuệ| 09/10/2021 06:20

(HNM) - Đúng thời kỳ cao điểm của mùa mưa bão, lũ, một số tuyến đê, kè, bờ sông của thành phố Hà Nội đã xảy ra sự cố khiến hàng chục hộ dân phải sơ tán. Để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, thành phố đang khẩn cấp triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn.

Thi công công trình khẩn cấp chống sạt lở bờ hữu sông Hồng, phường Viên Sơn (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Bảo Châu

Xuất hiện một số sự cố nghiêm trọng

Sau trận mưa lớn ngày 25-9 vừa qua, trên tuyến đê hữu Đáy, đoạn qua xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) xảy ra sự cố sụt lún nghiêm trọng, với vết nứt trên mặt đê rộng 5-50cm, kéo dài hơn 120m. Đáng lo ngại là phần nửa mặt đê về phía sông bị lún sâu tới 45cm so với mặt đê hiện hữu.

“Ngay khi phát hiện, đơn vị đã căng dây ngăn không cho người và phương tiện đi qua, đồng thời phủ bạt chống nước thấm vào thân và mái đê. Chúng tôi lo ngại nếu tiếp tục xảy ra mưa, đoạn đê khó giữ nguyên trạng như hiện nay”, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Quốc Oai - Thạch Thất Nguyễn Tùng Lâm cho hay.

Trận mưa lớn ngày 25-9 còn gây ra một số sự cố sụt lún, sạt lở kè, bờ sông khiến hàng chục hộ dân thuộc các xã: Sơn Đà, Thái Hòa (huyện Ba Vì), xã Đường Lâm và phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) phải sơ tán.

Cụ thể, tại bờ sông Hồng, đoạn thôn Trung Hà (xã Thái Hòa, huyện Ba Vì) xảy ra cung sạt dài 120m, ăn sâu vào bãi sông 5-15m tạo thành vách thẳng đứng; đỉnh cung sạt cách chân đê hữu Hồng khoảng 15-20m. Khu vực sạt lở hiện có 28 nhân khẩu đang sinh sống. Trong đó, nguy hiểm nhất là vị trí cung sạt cách sân nhà ông Nguyễn Văn Toán ở thôn Trung Hà khoảng 2,5m.

"Ngay đêm xảy ra sự cố, xã Thái Hòa đã cử lực lượng hỗ trợ gia đình sơ tán tài sản khỏi khu vực sạt lở. Để bảo đảm an toàn cho khu vực, tôi mong các cấp, ngành sớm xây dựng công trình khắc phục sự cố để giảm nỗi lo mất đất, mất nhà", ông Nguyễn Văn Toán nói.

Ngoài những sự cố nêu trên, theo Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, trên các bờ sông, tuyến kè bảo vệ đê hữu Đà (đoạn qua huyện Ba Vì), đê hữu Hồng (đoạn qua các huyện: Thanh Trì, Thường Tín và thị xã Sơn Tây)... xuất hiện nhiều vị trí sạt lở làm mất đất ở, hư hỏng công trình và phải sơ tán dân mỗi khi xảy ra mưa lớn, mực nước sông dâng cao...

Sự cố sạt lở bờ sông tại xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) uy hiếp an toàn tuyến đê hữu Hồng và công trình nhà ở của người dân. Ảnh: Bảo Châu

Khẩn cấp xử lý, khắc phục

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2021, trên Biển Đông còn xuất hiện 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó có 2-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn các tuyến đê, nhất là những vị trí xảy ra sự cố.

“Thực hiện chỉ đạo trên, huyện Ba Vì đã rà soát các phương án và sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai. Đối với các vị trí sạt lở hiện tại, huyện chỉ đạo các xã: Sơn Đà, Thái Hòa bố trí lực lượng ứng trực, xây dựng phương án chủ động sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nếu phát hiện sự cố có diễn biến phức tạp. Huyện Ba Vì đề nghị các sở, ngành báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục sự cố sạt lở, bảo đảm an toàn tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin, huyện đã giao cơ quan phòng, chống thiên tai phối hợp với Hạt Quản lý đê Quốc Oai - Thạch Thất xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực sạt lở và công trình đê điều.

Liên quan vấn đề trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, liên sở NN&PTNT - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư đã kiểm tra, đánh giá hiện trường, xác định mức độ sạt lở bờ, bãi sông, mái đê trên các tuyến sông: Đà, Hồng, Đáy thuộc địa bàn các huyện: Quốc Oai, Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Đoàn kiểm tra đã thống nhất báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, bố trí kinh phí xây dựng công trình khẩn cấp nhằm khắc phục các sự cố.

“Để hạn chế phát sinh sự cố, bảo đảm an toàn các tuyến đê, các địa phương cần quyết liệt hơn trong xử lý phương tiện quá tải trọng lưu thông trên mặt đê, quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát, xây dựng công trình và chất tải trên bờ bãi sông”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẩn cấp bảo đảm an toàn đê điều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.