Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khám phá những bí ẩn ở Nhà hát Lớn (tiếp theo)

Lâm Vũ| 03/07/2017 06:44

(HNM) - Tuy được đánh giá là một trong những nhà hát đẹp nhất thế giới, song có lẽ ít ai biết rằng, ngày khai trương, Nhà hát Lớn không hề có tấm rèm nhung như hiện tại. Công trình này đã từng có thời kỳ bị xuống cấp nặng nề...

(HNM) - Tuy được đánh giá là một trong những nhà hát đẹp nhất thế giới, song có lẽ ít ai biết rằng, ngày khai trương, Nhà hát Lớn không hề có tấm rèm nhung như hiện tại. Và công trình tầm vóc quốc tế này đã từng có thời kỳ bị xuống cấp nặng nề, hầu như không có thiết bị âm thanh, chiếu sáng, điều hòa không khí, thậm chí, không cả thiết bị vệ sinh...

Mặt trước Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn


Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (tác giả của nhiều cuốn sách về Hà Nội): Sau khi hoàn thành, sân khấu nhà hát trống trơn, không có màn kéo cũng như bất cứ thiết bị nào phục vụ trang trí phông cảnh. Để khắc phục, một diễn viên vốn là bác sĩ thú y đã nghĩ ra một cách là, mua một tấm vải thô may lại đủ rộng rồi cho vẽ cảnh Hồ Gươm có Tháp Rùa làm màn kéo. Tối 9-12-1911, lễ khai trương nhà hát đã diễn ra với vở hài kịch "Chuyến đi của ông Perrichon" (Le voyage de M.Perrichon). Số tiền thu được từ sự hảo tâm của quan khách được nhóm kịch ủng hộ cho đám trẻ lai sống lang thang trên đường phố Hà Nội. 16 năm sau, tấm màn kéo bằng vải thô có hình Tháp Rùa mới được thay thế bằng vải sa tanh và đến năm 1932 mới thay bằng tấm rèm nhung theo kiểu của sân khấu Italia.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty Lữ hành tầm nhìn Viễn Á thì cho biết, Nhà hát Lớn Hà Nội được thiết kế để trình diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như: Opera, nhạc thính phòng, kịch nói... nhưng thời đó chưa có các thiết bị hỗ trợ như ampli, loa... như hiện nay và các ca sĩ phải hát cùng với các loại nhạc cụ. Khi công trình hoàn thành, các ca sĩ bắt đầu thử giọng thì... cường độ âm thanh không đủ cho khán giả nghe rõ, vì vậy, người ta phải xin ý kiến kỹ sư trưởng của công trình.

Ông kỹ sư trưởng này đã từ Pháp sang Hà Nội. Sau khi đo đạc, nghiên cứu kỹ lưỡng, vị kỹ sư đã quyết định cho hạ thấp sàn diễn xuống 50cm. Và sau khi thực hiện theo chỉ đạo thì giọng hát của các ca sĩ vang lên với âm thanh chuẩn như các nhà hát Châu Âu khác.

Theo KTS Hoàng Đạo Kính, mặc dù khánh thành sau Nhà hát Lớn ở Sài Gòn và Nhà hát Lớn ở Hải Phòng, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất, đặc trưng nhất, "Hà Nội" nhất.


Đá Ardoise Lai Châu

Nhà hát Lớn Hà Nội có một vị trí đặc biệt trong kiến trúc đô thị nửa đầu thế kỷ XX. Cũng như các công trình: Bộ Ngoại giao, Bắc Bộ phủ, Phủ Chủ tịch, Viện Pasteur, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam..., Nhà hát Lớn là di sản văn hóa, di sản kiến trúc không của riêng Hà Nội mà là của chung Việt Nam. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, từ năm 1964 đến năm 1972, Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc và Hà Nội, tiếp đó là khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp nên công trình chỉ được sửa chữa bằng cách quét vôi, sơn phết cửa. Vì thế đến những năm 1990, công trình đã xuống cấp nặng nề, có chỗ đã thấm dột, nhà vệ sinh thì bốc mùi. Nhà hát hầu như không có thiết bị âm thanh, chiếu sáng và chẳng hơn gì hội trường của một cơ quan.

Trước thực trạng di sản văn hóa xập xệ, cuối năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra chủ trương tu bổ và nâng cấp nhà hát, trước mắt để phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ diễn ra vào 1997. Đồng thời, ông cũng yêu cầu đưa nhà hát thành một công trình biểu diễn nghệ thuật đẳng cấp hàng đầu ở Việt Nam. Và Chính phủ đã chi 156 tỷ đồng từ ngân sách cho công việc này. KTS Hoàng Đạo Kính với tư cách là một chuyên gia về bảo tồn và trùng tu di tích, người có 30 năm trong nghề đã được Bộ Văn hóa Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giao chủ trì công việc này.

KTS Hoàng Đạo Kính kể, ông tình cờ gặp KTS Hồ Thiệu Trị, một người con vùng Rạch Giá, Kiên Giang về Việt Nam sau 20 năm xa quê hương. Sau cuộc đàm đạo, cảm phục trước những kiến thức, kinh nghiệm về kiến trúc Pháp của KTS Hồ Thiệu Trị, KTS Hoàng Đạo Kính đã mời KTS Hồ Thiệu Trị tham gia vào việc tu bổ Nhà hát Lớn. KTS Hồ Thiệu Trị nhận thấy, mái nhà hát với hình thể rất đẹp, nhưng đá chẻ để lợp đã quá cũ, có những chỗ xen lẫn với mái tôn rỉ sét, cây cối rêu phong mọc trên các máng nước, khu sân vườn bị bỏ quên... Ông liền quay về Pháp, tới Viện lưu trữ Đông Dương ở tỉnh Aixen Provence, cách Paris hơn 800km tìm tài liệu về nhà hát này để phục vụ cho dự án. Ông cho biết: “Mọi tư liệu, kể cả những thông tin ủng hộ hay bài xích việc xây nhà hát tại Hà Nội vào năm 1901 trên tờ báo Pháp đều là những dữ liệu quý giá cho tôi thực hiện dự án của mình”.

Sau hai tháng cật lực tìm tòi, Hồ Thiệu Trị đã khệ nệ mang một vali có trọng lượng 50kg đựng vật liệu mẫu gồm: Đá, rèm màu, gạch ghép mosaic, dát vàng… và hàng chục tấm panô, bản vẽ từ Pháp về Hà Nội để bảo vệ quan điểm trùng tu của ông. Sau khi trình bày trước “bồi thẩm đoàn” gần 40 người, phương án của KTS Hồ Thiệu Trị đã được Bộ Văn hóa Thể thao chấp thuận.

Nhưng một khó khăn khác nảy sinh là, trong phương án tu bổ, phần mái của nhà hát phải được lợp bằng ngói chẻ (đá vùng Ardoise, Pháp). Loại ngói này vốn được sử dụng cho rất nhiều công trình lớn ở Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cả nhà thầu, Ban quản lý dự án và KTS Hồ Thiệu Trị đinh ninh sẽ phải nhập khẩu loại ngói này từ Pháp. Và nếu nhập thì chi phí sẽ rất cao, thời gian chờ đợi gia công cũng rất lâu. "Có những đơn vị nước ngoài báo giá phục chế mái ngói bằng đá chẻ và một số thành phần trang trí bằng kẽm trên mái nhà lên đến 2 triệu USD", KTS Hoàng Đạo Kính cho biết. Vấn đề này một lần nữa lại làm đau đầu các kiến trúc sư.

Tình cờ, trong một buổi ngồi uống trà bên quán cóc gần hồ Hoàn Kiếm, thói quen hình thành từ khi bắt đầu tham gia tu bổ Nhà hát Lớn Hà Nội, KTS Hồ Thiệu Trị nghe mấy bà cụ già bán hàng nói chuyện với nhau rằng, loại ngói này ở vùng Lai Châu có rất nhiều. Bán tín bán nghi, ông cho người lên Lai Châu thăm dò thì quả nhiên, Lai Châu không những có loại ngói này thật mà chất lượng đá ở đây còn rất tốt. Bài toán khó đã được giải quyết và một xưởng sản xuất ngói chẻ đã ra đời. Thời gian đã chứng minh, hai chục năm qua, loại ngói “phát hiện từ hàng nước” này vẫn giữ nguyên màu sắc và chất lượng.

KTS Hồ Thiệu Trị nhận thấy, Nhà hát Lớn không chỉ đơn thuần là một công trình kiến trúc bình thường mà là một công trình văn hóa gắn bó, thân thiết, gần gũi với người dân Hà Nội. Cũng chính vì thế, ông đã cống hiến hết mình để phục vụ cho việc tu bổ công trình này. Hai năm thực hiện tu bổ cũng là quãng thời gian “kiệt quệ” nhất về tài chính trong cuộc đời KTS Hồ Thiệu Trị. Ông kể, có những ngày trong túi ông chỉ có 5.000 đồng. Ông đã sống hàng tuần với thực đơn hằng ngày chỉ có cơm trắng và nước mắm.

Nói về dự án cải tạo Nhà hát Lớn Hà Nội, KTS Hồ Thiệu Trị chia sẻ: “Mất 2 năm dưới sự giám sát của tôi và bàn tay khéo léo của khoảng 100 nhân công, đến năm 1997 công trình cải tạo Nhà hát Lớn Hà Nội đã hoàn thành. Đây là một công trình vĩ đại nhất trong đời tôi. Tôi đã làm không chỉ đơn giản vì lời hứa với một người bạn, mà đó còn là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với quê hương và tình yêu Hà Nội trong trái tim tôi”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khám phá những bí ẩn ở Nhà hát Lớn (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.