(HNM) - “Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ” - cuốn sách của tác giả Hồ Công Thiết, do Công ty cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) liên kết với Nhà Xuất bản Lao động ấn hành, đưa độc giả khám phá những điều thú vị ở một con phố rất đặc trưng của Thủ đô. Nơi đó giống một “Hà Nội thu nhỏ” chất chứa đầy ký ức, hoài niệm.
Cuốn sách dày gần 200 trang, chia thành 3 phần: “Muôn gánh mưu sinh”, “Chuyện tầm phào của đám trẻ phố Hàng Bột”, “Lược sử phố Hàng Bột”. Tất nhiên, cầm cuốn sách này, độc giả sẽ biết được lịch sử phố Hàng Bột và vì sao với người Hà Nội, nhất là người đã sống ở đó, lại nhớ thương nhiều đến thế.
Tác giả kể: “Từ Cửa Nam thành Thăng Long, có con đường chạy qua Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đến Ô Chợ Dừa. Đó là phố Hàng Bột, nay đổi tên là phố Tôn Đức Thắng... Hàng Bột là tên thôn hay còn gọi là Miến Thôn. Dân có nghề làm bột, bán khắp kinh thành… Phố Hàng Bột hội tụ đủ những điều đặc biệt, những nét riêng, rất độc đáo trong hệ thống các phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” ở Hà Nội. Ở phố Hàng Bột có đủ các di tích lịch sử lâu đời của Kinh thành Thăng Long, có nhiều của ngon vật lạ đất Kinh kỳ và cũng có những ngành nghề đặc trưng của đất Kẻ Chợ”. Chính vì thế, tác giả coi con phố này “như một Hà Nội thu nhỏ trong lòng Hà Nội”.
Nhưng điều quan trọng nhất mà cuốn sách của tác giả Hồ Công Thiết đưa đến bạn đọc là những câu chuyện giản dị, bình thường của con phố này mà người Hà Nội gọi là chuyện tầm phào. Mỗi câu chuyện như một đoạn đường nhỏ hiện ra trước mắt người đọc, để đi hết cuốn sách giống như được dạo hết một con phố với ăm ắp những khám phá thú vị. Nào là chuyện tẩm quất, giặt là, cắt tóc, khắc bút, sửa xe, dán hộp giấy, đan len, vẽ truyền thần..., nào là những món ăn bình dị nhưng gây nhớ thương như lạc rang húng lìu, bia hơi, cà phê, mì sợi, giò chả, bánh mì, cháo gà, bánh cuốn, bún chả, phở, xôi, lươn, ốc luộc…
Nhưng thú vị nhất là những câu chuyện của đám trẻ phố Hàng Bột được kể từ ký ức người trong cuộc. Đám trẻ ấy trải qua những chuyến tàu điện leng keng, nhà tắm công cộng, say sưa với bóng đá, tham gia các trò chơi dân gian như pháo ném, súng bắn diêm, đánh khăng, chơi bi, đánh đáo, pháo đất, nhảy dây, cá chọi, đá cầu…
Về cuốn sách, nhà văn Châu La Việt đã bày tỏ rằng rất yêu những trang viết của Hồ Công Thiết bởi ký ức Hà Nội. “Hồ Công Thiết gắn bó suốt từ tuổi thơ với Hàng Bột, yêu con phố ấy đến mê man từng nóc nhà, từng ngõ hẻm để viết nên tập sách này. Anh hiểu về Hà Nội rất chi tiết, kỹ càng, và viết ra cũng chi tiết, kỹ càng, cuốn hút, ăm ắp những điều ai cũng yêu thích, cũng tò mò mà chưa mấy người viết ra… Hồ Công Thiết có nhiều trang viết tài hoa uyên bác, lại cũng có nhiều trang viết mộc mạc chân thành, cứ thế đan xen vào nhau trong tập sách này, lúc làm ta khoái cảm, lúc lại làm ta reo vui như đứa trẻ được khám phá thêm nhiều điều”, nhà văn Châu La Việt chia sẻ.
“Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ” nằm trong Tủ sách Văn hóa Việt Nam của Chibooks, gồm các tác phẩm viết về đặc trưng văn hóa của từng địa phương ở Việt Nam, nhằm giúp độc giả trong và ngoài nước hiểu sâu sắc cội nguồn dân tộc và thêm yêu từng nét văn hóa, con người, ẩm thực trên mỗi vùng miền đất nước. Trước đó, tủ sách đã có những cuốn được yêu mến như: “Vắt qua những ngàn mây” (Đỗ Quang Tuấn Hoàng), “Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ” và “Nha Trang mùa đẹp nhất” (Đào Thị Thanh Tuyền), “Bên sông Ô Lâu” và “Về Huế ăn cơm” (Phi Tân), đặc biệt là hai cuốn về Hà Nội “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời” (Vũ Thế Long), “Hà Nội những phố những người” (Nguyễn Việt Cường).
Cuốn sách ra mắt khi tác giả Hồ Công Thiết vừa đi xa (ngày 22-1-2023). Từng là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, là lãnh đạo một công ty du lịch, nhưng ông được nhớ đến nhiều hơn với những trang viết sâu sắc và am tường về văn hóa, lịch sử, thể thao xuất hiện trên các tờ báo lớn. Ông cũng góp mặt trong nhiều tập sách giá trị như: “Kim Sơn - Điệp viên lãng tử”, “Tản mạn bóng đá Hà thành”, “Chuyện người Hà Nội” - tập 1, 2, 3 (đồng tác giả), “Thăng Long văn Việt” (đồng tác giả), “Chuyện làng quê” - tập 1 (đồng tác giả). Cuốn sách này góp thêm những trang viết đầy tình yêu với Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.