Với nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích bằng các sản phẩm mới, trong đó áp dụng công nghệ số, hệ thống di sản, di tích Hà Nội đang mang đến nhiều trải nghiệm mới cho du khách. Nhiều di tích đã trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến Hà Nội tham quan, tìm hiểu văn hóa.
Di sản qua lăng kính công nghệ
Nhiều năm nay, các điểm di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đưa công nghệ vào hoạt động trải nghiệm, điển hình như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hoả Lò, di sản Hoàng thành Thăng Long đã được số hóa dữ liệu, cập nhật thông tin bằng mã quét QR Code. Ngoài ra, các đơn vị thực hiện bán vé điện tử để du khách dễ dàng, thuận tiện đặt mua trực tuyến (online).
Cùng với việc thực hiện các giải pháp công nghệ trong quản lý, nhiều đơn vị cũng đưa yếu tố công nghệ trong xây dựng sản phẩm du lịch. Khám phá Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào tối thứ 4, thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, du khách sẽ được trải nghiệm sản phẩm “Tinh hoa đạo học” với “bữa tiệc” ánh sáng sử dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping kết hợp âm nhạc dân tộc. Hành trình khám phá câu chuyện đạo học được kể xuyên suốt từ Văn Miếu môn (cổng vào), qua giếng Thiên Quang, khu văn bia cho đến nhà Thái học. Điểm nhấn là màn biểu diễn 3D mapping dài gần 15 phút tại nhà Thái học được thiết kế công phu bằng công nghệ chiếu sáng.
Trong khi đó, chương trình thực cảnh “Ngọc Sơn đêm huyền bí” tại đền Ngọc Sơn vào tối thứ 4 và thứ 5 hằng tuần lại mang đến trải nghiệm khó quên cho du khách với sự kết hợp chiếu sáng 3D, múa đương đại và biểu diễn thực cảnh trả lại gươm báu cho thần Kim Quy trên hồ Hoàn Kiếm. Với việc sử dụng công nghệ trình chiếu ánh sáng, cùng công nghệ biểu diễn trên mặt nước, chương trình “Ngọc Sơn đêm huyền bí” giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ khi khám phá điểm di tích đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc.
Ngoài các di tích nói trên, trên địa bàn Hà Nội, các di tích, bảo tàng đang nỗ lực đưa công nghệ vào hoạt động trải nghiệm của du khách. Chẳng hạn, di sản Hoàng thành Thăng Long tổ chức các trưng bày chuyên đề có sử dụng thiết bị âm thanh hiện đại.
Một số di tích tại huyện Đan Phượng đưa trải nghiệm thực tế ảo trong hoạt động tham quan…
Số hóa để phát huy giá trị di tích
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố đến 2025 và các năm tiếp theo. Kế hoạch đặt trọng tâm vào việc bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, đồng thời khuyến khích phát huy giá trị tinh hoa văn hóa của Thủ đô. Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trong Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn năm 2021-2025. Kế hoạch cũng đề cao việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong di sản văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực di sản văn hóa; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa.
Là một trong những đơn vị đi tiên phong trong triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ, từ tháng 5-2022, Trung tâm đã đưa hệ thống vé điện tử vào hoạt động tại khu di tích và từ tháng 8-2023, đơn vị thực hiện bán vé trực tuyến (online) dành cho khách đoàn của các doanh nghiệp lữ hành. “Sự đổi mới từ vé truyền thống sang vé điện tử giúp du khách được trải nghiệm một hệ thống đầy hiện đại, mới mẻ, nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó, những sản phẩm du lịch mới đưa các công nghệ trình diễn mới đã góp phần tăng sức hút cho du khách, lượng khách đến Văn Miếu đã dần phục hồi so với trước dịch Covid-19”, ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.
Còn theo Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn, việc áp dụng công nghệ số vào quản lý và phát triển sản phẩm là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và hiện thực hóa Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh một số hoạt động trải nghiệm tại đền Ngọc Sơn, di tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông), trong đó sẽ áp dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng sản phẩm mới để tăng trải nghiệm cho du khách.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện nay nhiều đơn vị đã triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, hằng năm đơn vị chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát đề xuất danh mục di sản cần được tu bổ, tôn tạo; xây dựng kế hoạch, kinh phí bảo đảm phù hợp; triển khai ứng dụng công nghệ để quảng bá và phát huy hiệu quả giá trị di sản, góp phần tăng sức hút du khách đến Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.