Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khám phá chuyện ăn, chuyện uống của người Hà Nội một thời

An Nhi| 25/12/2021 14:44

(HNMO) - Những trang sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời” của Tiến sĩ, nhà khảo cổ - sinh học Vũ Thế Long, ra mắt ngày 25-12, đưa người đọc ngược dòng thời gian về đầu thế kỷ XX, để khám phá văn hóa, cung cách ứng xử của người Hà Nội trong ẩm thực.

Chuyện ăn, chuyện uống của người Hà Nội được kể dung dị trong sách.

Đã có rất nhiều cuốn sách về ẩm thực của Hà Nội, nhưng tác giả Vũ Thế Long vẫn “liều” viết (theo lời ông). Tác giả nhận định: “Đã là quy luật muôn đời của mọi đô thị, mọi thủ đô trên thế giới, Thủ đô luôn là nơi hội tụ, ngưng đọng, kết tinh và phát tán của các luồng văn hóa, các trào lưu văn hóa, trong đó có văn hóa ăn uống. Ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa. Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Việt Nam - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới”.

Cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời”, do Công ty cổ phần Văn hóa Chi (ChiBooks) và Nhà Xuất bản Hội Nhà văn liên kết xuất bản, gồm hơn 300 trang với 39 bài viết đầy ắp tư liệu về chuyện người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã “đối xử” thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô.

Tác giả đi từ chuyện “Người Hà Nội uống nước lọc”, “Nước vối xưa”, “Chè tươi, chè Tàu, chè hạt” đến “Chuyện rượu Hà Nội”, “Người Hà Nội và bia”, “Cà phê Hà Nội”, “Từ nước đá đến trà đá Hà Nội”, “Những kiểu uống mang phong vị Trung Hoa ở Hà Nội”…

Độc giả còn được khám phá những món ăn đặc sắc của Hà Nội, như: “Cua + bò rất ngon!”, “Phở và tôi”, “Ẩm thực rươi”, “Ngửi mùi chả”, “Bánh mì Hà Nội, bánh mì Sài Gòn”, “Cua đồng lên ngôi”, “Ăn cơm Tàu ở Hà Nội”, “Lúa, xôi và xôi lúa”… Những món quà rất duyên của người Hà Nội cũng được đề cập trong nhiều câu chuyện: “Kem Hà Nội”, “Rượu nếp của bà tôi”, “Sống mà ăn sắn”, “Miếng bánh không nhân”…

 Tác giả Vũ Thế Long (bên phải) giao lưu về cuốn sách.

Viết về văn hóa ăn uống của người Hà Nội, tác giả Vũ Thế Long có lợi thế, bởi: “Bố mẹ tôi đều quê ở Hà Nội. Theo gia phả để lại thì ông bà, cụ kỵ của bố mẹ tôi cũng ở Hà Nội. Đa phần thời gian tôi sống trong lòng Hà Nội quê tôi”. Với cuốn sách này, tác giả viết từ tự nghiệm của bản thân, đồng thời, ông cũng tìm gặp các cụ cao niên ở Hà Nội để nghe kể về sự ăn, sự uống, chuyện đời thường mà các cụ đã từng trải trong cuộc đời.

Nhà báo, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam nhận xét, tác giả giống như một nhà khảo cổ ký ức qua mùi, vị của đồ ăn. Ông không viết những điều mới mẻ, đặc sắc mà kể những chuyện giản dị xoay quanh ẩm thực ở Hà Nội, từ đó kết tinh văn hóa ứng xử của người Hà Nội và lịch sử Hà Nội, lịch sử đất nước hơn 100 năm qua.

Vũ Thế Long sinh năm 1947, là nhà nghiên cứu cổ sinh vật học, nhân học, môi trường và lịch sử, văn hóa. Ông là Thư ký Câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật ăn uống (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam); Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khám phá chuyện ăn, chuyện uống của người Hà Nội một thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.