(HNMCT) - Nhiều người hẳn biết bài hát thiếu nhi nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Chú voi con ở bản Đôn”. Bản Đôn là một buôn làng truyền thống ở Tây Nguyên gắn liền với loài voi. Hiện bản Đôn là một điểm du lịch nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua khi đến với tỉnh Đắk Lắk.
Những trải nghiệm thú vị
Buôn Đôn là một buôn làng Tây Nguyên, thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40km về phía Tây Bắc. Cư dân ở buôn Đôn chủ yếu là các dân tộc Lào, Ê Đê, M’Nông.
Lý giải về tên gọi của nơi đây, người Ê Đê và M’Nông giải thích rằng, buôn Đôn có nghĩa là “làng đảo” - ngôi làng được xây dựng trên một hòn đảo nổi của sông Sêrêpốk huyền thoại. Nhờ có con sông này, buôn Đôn trở thành địa điểm giao thương, trao đổi và buôn bán hàng hóa giữa dân bản địa với Lào, Campuchia nên kinh tế khá phát triển. Nơi đây từng là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, sau người Pháp dời về thành phố Buôn Ma Thuột vì địa thế thuận lợi hơn. Buôn Đôn từ xa xưa nổi tiếng khắp Tây Nguyên - Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Hiện tại, nơi này cũng tập trung đàn voi nhà nhiều nhất Tây Nguyên.
Đến với buôn Đôn, du khách hãy dừng chân ở Trung tâm Du lịch buôn Đôn, tham quan phòng trưng bày hiện vật với các đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ, đồ nghề săn voi. Đặc biệt, nơi đây có trưng bày tiêu bản “chú voi con” - hình mẫu trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bạn sẽ được nghe giới thiệu về lịch sử của buôn làng, những nét văn hóa, phong tục tập quán và nghề săn voi.
Nơi tham quan tiếp theo là cầu treo buôn Đôn bắc qua nhánh sông Sêrêpốk ra đảo Ây Nô. Đây là một điểm check-in nổi tiếng. Hệ thống cầu được làm bằng vật liệu mây tre nứa, kết hợp với dây cáp chịu lực để đảm bảo an toàn, gồm 11 nhánh kết nối liên hoàn với tổng chiều dài 463,5m.
Đảo Ây Nô là một không gian yên bình với nhiều cây xanh. Du khách có thể thuê trang phục dân tộc chụp ảnh hay trải nghiệm cho voi ăn, chụp ảnh cùng voi. Đi vào trong buôn, du khách sẽ tham quan nhà sàn cổ của "Vua voi" hay thăm các gia đình nuôi voi, tìm hiểu cuộc sống của người bản địa và nghề nuôi voi.
Nếu nghỉ lại buôn Đôn qua đêm, có rất nhiều lựa chọn cho du khách như nhà nghỉ, các homestay của người dân làm du lịch cộng đồng. Và đừng quên thưởng thức những món ăn truyền thống Tây Nguyên mang nét đặc trưng hấp dẫn như heo Tây Nguyên kho sả, nem bản Đôn, canh chua cá sông Sêrêpốk, gỏi cà đắng...
Vào dịp cuối tuần hoặc lễ hội, du khách có thể được trải nghiệm cùng người dân buôn làng ở đêm hội cồng chiêng. Tới buôn Đôn vào tháng 3, nếu may mắn du khách sẽ được tận hưởng, khám phá lễ hội đua voi của huyện. Ngoài ra, du khách có thể tới thăm thác Bảy Nhánh, Vườn quốc gia Yok Đôn, vườn cảnh Trohbư, hồ Đăk Mil...
Phát triển du lịch gắn liền với hình ảnh voi
Nói tới buôn Đôn là nói tới voi. Voi là lịch sử, là biểu tượng, thương hiệu của buôn Đôn. Trung bình mỗi năm nơi đây đón 170.000 lượt khách. Hình thức du lịch cưỡi voi từng được thực hiện trong thời gian dài và rất hút khách. Tuy vậy, trong thực tế đã có những hệ lụy không mong muốn như voi làm việc quá sức nên bị tổn thương cả về thể chất và tinh thần hay gây tai nạn đối với khách du lịch. Trước tình hình đó, năm 2020, Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam (Animals Asea) đã kiến nghị với tỉnh Đắk Lắk ngừng loại hình du lịch cưỡi voi để bảo đảm an toàn cho du khách cũng như bảo vệ loài voi. Bà Đinh Thị Loan, cán bộ Trung tâm Du lịch buôn Đôn cho biết: Buôn Đôn có 20 con voi, hầu hết đều tham gia phục vụ khách du lịch. Nếu ngừng hoạt động cưỡi voi sẽ rất khó cho những hộ nuôi voi bởi nếu không có nguồn thu từ du lịch, việc nuôi voi sẽ trở thành gánh nặng.
Được biết, tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương loại bỏ loại hình du lịch cưỡi voi theo lộ trình. Thay vào đó, các điểm du lịch sẽ tiến hành nghiên cứu, khai thác các loại hình dịch vụ du lịch thân thiện với voi để gia tăng trải nghiệm cho du khách như tắm voi, cho voi ăn, chụp ảnh cùng voi... Các dịch vụ này sẽ góp phần kéo du khách về Đắk Lắk nếu có sự phối hợp bài bản của những người làm quản lý, doanh nghiệp du lịch, của chủ voi và cả những nài voi. Chị Đinh Thị Mai Phương, du khách ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với những trải nghiệm gắn với voi và tham quan buôn Đôn, nhưng loại hình này sẽ không còn trong thời gian tới. Tôi cho rằng đó là quyết định hợp lý, và mong sẽ có dịp trở lại buôn Đôn để trải nghiệm các hình thức tương tác mới với voi”.
Xác định rõ hình ảnh của voi gắn liền với Đắk Lắk nói chung, buôn Đôn nói riêng, những người làm du lịch nơi đây cũng đầu tư nghiên cứu sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm gắn liền với hình ảnh voi, để voi mãi là biểu tượng của vùng đất này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.