(HNM) - Với việc tổ chức khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa vào chiều 25-9, Bộ Y tế đã thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 vượt tiến độ đề ra sau hơn 2 tháng triển khai. Nhờ đó đã cấp cứu được nhiều ca bệnh khó ngay tại địa phương mà không phải chuyển tuyến. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các bệnh viện cũng gặp không ít khó khăn, cần sớm được tháo gỡ, qua đó góp phần xây dựng mạng lưới y tế không giới hạn giữa các tuyến.
Vẫn còn không ít rào cản
Không phải di chuyển quãng đường gần 100km, một bé gái (55 tháng tuổi ở tỉnh Phú Thọ) bị thông liên thất điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vẫn được các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Tim Hà Nội hội chẩn và can thiệp kịp thời, nhờ hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Toàn bộ hình ảnh từ cuộc phẫu thuật vá lỗ thông liên thất được truyền trực tiếp từ phòng mổ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ về điểm cầu Bệnh viện Tim Hà Nội để các bác sĩ theo dõi, hướng dẫn xử trí thành công. Hiện, đã có khoảng 30 bệnh viện đăng ký tham gia mạng lưới tư vấn khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Tương tự, Trung tâm Tư vấn khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã triển khai 1 buổi/tuần để kết nối với 37 điểm cầu ở các đơn vị y tế tuyến dưới. Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh chia sẻ, với hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, kiến thức và trình độ của bác sĩ ở tuyến trên được phát huy triệt để, giảm thiểu tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. “Không ít ca bệnh được tuyến dưới chẩn đoán quá muộn, bỏ qua “thời gian vàng” cấp cứu. Việc hội chẩn từ xa bởi các bác sĩ đầu ngành về sản khoa sẽ giảm được số ca chẩn đoán, xử lý sai của tuyến dưới”, ông Nguyễn Duy Ánh cho biết.
Là bệnh viện tiên phong trong khám, chữa bệnh từ xa, sau 4 tháng triển khai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành thường quy 2 buổi/tuần với 162 bệnh viện tham gia kết nối. Đến nay, đã hội chẩn, điều trị từ xa cho gần 300 bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hiện các trường hợp áp dụng y tế từ xa mới chỉ dừng ở mức hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân hoặc hỗ trợ cho y tế tuyến dưới, hoàn toàn không thu phí, do chưa có cơ chế. Hơn nữa, khả năng đầu tư về công nghệ thông tin của các bệnh viện, nhất là tuyến cơ sở, còn hạn chế, nên hiệu quả chưa cao.
Còn theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, đề án khám, chữa bệnh từ xa hướng tới hỗ trợ, nâng dần chất lượng khám, chữa bệnh của y tế tuyến cơ sở. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là không phải cơ sở y tế nào cũng đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin để có thể thực hiện cách thức này.
Hướng đến chất lượng đồng đều ở các tuyến
Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau hơn 2 tháng triển khai đồng loạt, đề án khám, chữa bệnh từ xa đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời, không phải lên tuyến trên.
Để phát triển bền vững khám, chữa bệnh từ xa, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trước mắt, Bộ Y tế đã ban hành tạm thời hướng dẫn và quy định tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Để thực hiện cuộc hội chẩn phải có sự nhất trí giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, phòng hội chẩn, phòng mổ hoặc một số khoa, phòng tham gia phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hệ thống công nghệ thông tin, đường truyền, trang thiết bị…, bảo đảm hình ảnh và âm thanh rõ nét. Giám đốc bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và cung ứng đủ trang thiết bị cần thiết theo quy định. "Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng phối hợp với các đơn vị liên quan bước đầu xây dựng danh mục các kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa được thanh toán bảo hiểm y tế; quy chế hướng dẫn bảo mật thông tin trong tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa…", ông Lương Ngọc Khuê thông tin thêm.
Liên quan đến vấn đề này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, thay vì một bệnh viện chỉ hỗ trợ được một bệnh viện như trước đây, thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa, một bệnh viện có thể nhận được sự trợ giúp từ nhiều bệnh viện và ngược lại. Việc khai trương kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa nhằm hướng đến mục tiêu không còn giới hạn về không gian trong khám, chữa bệnh, tạo nên sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để làm được điều đó, Bộ Y tế đã và đang xây dựng hệ thống kết nối trên toàn tuyến, từ trung ương - tỉnh - huyện - xã theo mô hình 1-4-4-2, qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Tức là 1 thầy thuốc trung ương hỗ trợ được ít nhất 4 thầy thuốc tuyến tỉnh, 4 thầy thuốc tuyến huyện và 2 thầy thuốc tuyến xã.
“Bộ Y tế sẽ có những chính sách đổi mới về cơ chế tài chính cho y tế cơ sở để tuyến này hoàn thành được sứ mệnh “người gác cổng” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đó là yếu tố quan trọng để giảm quá tải cho tuyến trên, từng bước bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh đồng đều ở các tuyến”, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.