(HNMCT) - Khoảng 2 thập niên trở lại đây, du lịch đêm ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng khai thác và coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới. Để thúc đẩy loại hình du lịch này, ngoài việc xây dựng các chương trình tham quan và điểm đến hấp dẫn, chính quyền các địa phương còn tăng cường nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội về đêm, tổ chức khu mua sắm, khu ẩm thực... nhằm tạo sức hút đối với du khách.
"Thành phố không ngủ" Bangkok
Sau 2 năm vắng lặng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bangkok (Thái Lan) - vốn được xem là một trong những "thành phố không ngủ" của châu Á, đã dần sôi động trở lại. Rất nhiều chương trình du lịch về đêm được quảng bá và thu hút lượng lớn du khách. Theo một công ty du lịch Thái Lan, để đón đầu làn sóng du lịch trong mùa hè, công ty này đã xây dựng nhiều gói du lịch, bao gồm cả các chương trình vào ban đêm. Khi nhiệt độ ban ngày giảm xuống, các địa điểm ban đêm trở nên sống động theo một sắc thái khác. Việc thiết kế chương trình tham quan có sự kết hợp hài hòa giữa các điểm đến sẽ giúp du khách nhìn thấy nhiều khía cạnh của cuộc sống về đêm ở thành phố này.
Một trong những tour được du khách yêu thích là chương trình du ngoạn trên sông Chao Phraya, vừa ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực vừa có thể dừng lại tại một số điểm mua sắm. Du khách cũng có thể tự khám phá, tuy nhiên, nếu không có nhiều thời gian thì việc mua gói du lịch của các công ty bản địa là một lựa chọn sáng suốt vì các hướng dẫn viên địa phương sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Đặc biệt, với những du khách phương Tây, khám phá Bangkok vào ban đêm có thể là một thách thức. Nhiều đường phố ở Bangkok có cảm giác chật chội và quá đông đúc, dễ bị lạc đường.
Theo đánh giá của nhiều khách du lịch, Bangkok cuốn hút về đêm bởi thành phố này sở hữu nhiều quán rượu tầng thượng nhất trên thế giới, tiêu biểu là Sky Bar Rooftop, Lebua; Octave Rooftop Bar; Millennium Hilton Bangkok... Đây là nơi khách du lịch được ngắm toàn cảnh Bangkok lên đèn, tận hưởng thời gian bên bạn thân, gia đình hoặc tiệc tùng trọn đêm trong bầu không khí hội hè náo nhiệt. Tiếp đến, khách du lịch sẽ "không ngủ" với các chương trình biểu diễn sân khấu hoành tráng mang đậm tính văn hóa truyền thống hoặc xem các trận Muay Thai - điểm nhấn đặc sắc của du lịch Thái Lan nói chung và Bangkok nói riêng. Ẩm thực đêm cũng được xem là “đặc sản” ở Bangkok với nhiều hình thức khác nhau. Tại các nhà hàng sang trọng, trên các đường phố ẩm thực, hoặc trên các nhà hàng nổi xuôi dòng Chao Phraya, du khách có thể vừa ăn vừa ngắm nhìn cung điện, đền chùa lung linh, rực rỡ trong ánh đèn tạo nên khung cảnh tuyệt vời về đêm của Bangkok.
“Con gà đẻ trứng vàng”
Tại châu Âu, nhiều quốc gia coi du lịch ban đêm là một phần không thể tách rời của chiến lược phát triển kinh tế. Từ những năm 1990, khái niệm phát triển kinh tế đêm, trong đó du lịch là một đòn bẩy đã được Italia, Anh, Pháp chú trọng. Cùng với du lịch, một loạt dịch vụ khác cũng được đẩy mạnh như vui chơi, thể thao, giải trí, ăn uống, lễ hội, sự kiện gia đình. Báo cáo của chính quyền London (Anh) cho thấy, khi kinh tế ban đêm được khai thác mạnh, cơ cấu việc làm cũng phát triển phong phú và đa dạng. Cụ thể, không chỉ riêng công việc phục vụ nhà hàng, quầy bar thu hút lượng lớn người lao động, mà hàng loạt công việc khác cũng cho thấy mức tăng trưởng nhanh về nhu cầu lao động như kỹ sư, nhân viên bảo vệ, y tá, lao động dọn vệ sinh, tài xế taxi, chuyên gia hỗ trợ công nghệ - thông tin, nghệ sĩ biểu diễn. Theo thống kê, phát triển kinh tế và du lịch đêm đã tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm tại Anh và 3,5 triệu việc làm tại Pháp.
Chính sách quản lý và phát triển kinh tế đêm ở các quốc gia thể hiện sự linh hoạt, đa dạng. Về mô hình tổ chức bộ máy quản lý, phần lớn các quốc gia phát triển đã phân quyền quản lý tới các cấp chính quyền địa phương, có sự tham vấn của hiệp hội cư dân, nhà quản lý, lực lượng đảm bảo an ninh. Bên cạnh đó, chính sách phát triển dịch vụ giao thông công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng đều được ưu tiên. Nhiều nước đã tăng thời gian phục vụ trong đêm của dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện đêm, bus đêm, dịch vụ dùng chung xe đạp công cộng. Tại Anh hay Pháp, các tuyến tàu điện ngầm đi qua các khu vực thương mại sầm uất vào ban đêm được kéo dài thời gian hoạt động nhằm phục vụ cả du khách và người lao động cung ứng dịch vụ. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan, thiết bị chiếu sáng công cộng tại các khu vực du lịch, thương mại lớn cũng được xem trọng.
Thực tế cho thấy, phát triển du lịch đêm kéo theo nhiều ngành dịch vụ phát triển đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều địa phương. Ông Mirik Milan, người nhiều năm từng làm chuyên gia chính sách và “Thị trưởng đêm” của Amsterdam (Hà Lan) cho rằng: “Doanh thu từ các hoạt động về đêm đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Amsterdam, đồng thời cũng giúp Amsterdam củng cố vị thế là một trong những thành phố sáng tạo nhất thế giới. Nói cách khác, đây là “con gà đẻ trứng vàng” nếu các địa phương có chính sách khai khác hiệu quả".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.