(HNM) - Sáng 23-4, biên bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá theo Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG giữa đại diện lãnh đạo của LĐBĐ Việt Nam (VFF) và lãnh đạo Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) với Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã chính thức được ký kết.
Với thỏa thuận này, phía VPF nhận nhiệm vụ: khai thác bản quyền truyền hình (BQTH) các giải đấu do VPF được ủy quyền tổ chức với giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng/năm kể từ năm 2013 để tăng nguồn thu cho bóng đá Việt Nam.
Đã tìm được tiếng nói chung sau hàng loạt mâu thuẫn về bản quyền truyền hình. Ảnh: Như Ý |
Tham dự lễ ký kết, đại diện AVG là Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vũ (bên A), đại diện VPF là Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng (bên B), đại diện VFF là PCT VFF Lê Hùng Dũng (bên C). Các bên đã cùng thống nhất thỏa thuận: Thứ nhất, bên A đồng ý thanh lý toàn bộ Hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG đã ký giữa bên A và bên C trên cơ sở cam kết của bên B về việc khai thác BQTH các giải đấu do bên B được ủy quyền tổ chức với giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng/năm kể từ năm 2013 trở đi để tăng nguồn thu cho bóng đá Việt Nam. Bên B có trách nhiệm làm việc với VTV và VTC để thực hiện việc phát hình rộng rãi phục vụ đông đảo người hâm mộ trên cơ sở tôn trọng những thỏa thuận của bên A với các đài này. Thứ hai, VFF và VPF ghi nhận đóng góp của AVG trong thời gian qua đã giúp nâng giá trị thương quyền truyền hình của bóng đá Việt Nam. Thứ ba, VPF cam kết sẽ làm tốt nhất để xây dựng, nâng cao chất lượng các giải bóng đá do Công ty được ủy quyền tổ chức. Các bên tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật và của VFF để tạo điều kiện cho VPF có thể triển khai việc khai thác thương quyền truyền hình ngay từ vòng đấu thứ 15 của V-League 2012.
Như vậy, mấu chốt của việc các bên đạt được thỏa thuận là cam kết của VPF về việc có được nguồn thu tối thiểu 50 tỷ đồng/năm từ việc khai thác BQTH các giải đấu cho VPF tổ chức. Tính khả thi của cam kết này đến đâu? Trước đó, trao đổi với báo giới tại cuộc sơ kết giai đoạn 1 mùa giải 2012, Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên đã tuyên bố, con số này hoàn toàn nằm trong tính toán của VPF, thậm chí có thể cao hơn nhiều, khoảng 100 tỷ - 150 tỷ đồng/ năm trong vài năm tới. Cơ sở cho tính toán này là việc VPF đã lên kế hoạch và bước đầu đã tiếp xúc với hơn 10 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, mời tham gia Hội đồng Bảo trợ cho bóng đá Việt Nam. Các công ty này đều có quy mô lớn với lợi nhuận tối thiểu 1.000 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp tham gia bảo trợ bóng đá Việt Nam sẽ được hưởng nhiều quyền lợi từ việc quảng cáo trên truyền hình. Bản thân lãnh đạo của HĐQT VPF cũng đều là các doanh nhân có uy tín và tầm ảnh hưởng khá lớn, nên VPF tin tưởng sẽ hiện thực hóa kế hoạch này sau khi chính thức được chuyển giao thương quyền. Số tiền thu được từ khai thác BQTH sẽ được dành để bù đắp chi phí cho các CLB và hỗ trợ các đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia, hướng tới mục tiêu các đội tuyển quốc gia sẽ không phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.