Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác di sản văn hóa và thiên nhiên trong du lịch: Cần cách ứng xử có trách nhiệm

Yên Nga| 04/06/2017 06:54

(HNM) - Di sản văn hóa và thiên nhiên là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, góp phần thúc đẩy phát triển và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng việc khai thác những di sản này vẫn thiếu tầm nhìn.

Việc tổ chức các hoạt động du lịch trong hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) đang được xem xét kỹ lưỡng.


Khai thác chưa hợp lý

Cả nước hiện có 85 di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; hơn 3 nghìn di tích quốc gia và hơn 40 nghìn di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh. Thực tế, các di sản này đã góp phần không nhỏ để phát triển kinh tế địa phương, nhất là việc xây dựng kinh tế du lịch và thu hút đầu tư trong, ngoài nước.

Nhiều địa phương đã đưa du lịch di sản vào chiến lược phát triển mũi nhọn trong dài hạn. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, việc khai thác di sản trong du lịch là cơ hội để quảng bá di sản, tạo hình ảnh điểm đến của địa phương, đất nước với du khách, đem lại nguồn thu trực tiếp để đầu tư trở lại công tác quản lý, bảo tồn di sản.

Theo số liệu của UNESCO, mỗi năm có hơn một tỷ lượt khách du lịch đến tham quan các khu di sản văn hóa và thiên nhiên trên thế giới. Những năm gần đây, du lịch di sản ở Việt Nam phát triển rất mạnh với lượng khách nội địa tham quan di tích, thắng cảnh luôn dẫn đầu các loại hình du lịch. Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2016 cho thấy, 40% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tham quan các địa danh có di sản nổi tiếng.

Năm 2016, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đón hơn 700 nghìn lượt khách, tổng doanh thu hơn 100 tỷ đồng; ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh với Di sản thế giới vịnh Hạ Long đón 8,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 13 nghìn tỷ đồng; Quần thể di tích cố đô Huế thu hút hàng triệu khách tham quan, riêng thu từ bán vé là hơn 262 tỷ đồng.

Ở Hà Nội, năm 2016, Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón gần 2 triệu lượt khách, mang lại nguồn thu hơn 40 tỷ đồng từ bán vé tham quan; di tích Nhà tù Hỏa Lò phục vụ hơn 20 vạn lượt khách. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Khu phố cổ Hà Nội, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn… cũng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu lớn cho Hà Nội.

Tuy nhiên, quá trình khai thác di sản để phát triển du lịch ở một số địa phương có những điểm chưa hợp lý, gây phản ứng trong dư luận. Chẳng hạn như Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới 2017 có ý tưởng tổ chức phần thi trang phục dân tộc tại động Thiên Đường, thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vấp phải sự phản ứng, do lo ngại ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên. Việc khai thác thám hiểm xuyên động Sơn Đoòng cũng nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của một công ty du lịch cũng có thể làm ảnh hưởng đến cấu tạo địa chất của động, khiến Bộ VH-TT&DL có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra thực tế, nếu đúng thì yêu cầu tạm dừng thi công.

Trước hoạt động tự phát, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho du khách, cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu dừng mọi hoạt động dịch vụ chèo thuyền kayak trên vịnh Hạ Long, khiến các doanh nghiệp du lịch điêu đứng vì nhiều hợp đồng dịch vụ đã ký. Sau đó, tỉnh Quảng Ninh lại cho phép dịch vụ này hoạt động trở lại từ 1-5, với quy định, yêu cầu khắt khe.

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Sơn Trà (TP Đà Nẵng) và những dự án đầu tư đã được cấp phép tại đây được dư luận rất quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu chưa triển khai quy hoạch trong 3 tháng để các bên liên quan xem xét...

Vì sự phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, di sản mãi ở dạng tiềm năng, thậm chí có thể bị xuống cấp hoặc bỏ quên, nếu không biết cách phát huy giá trị, đặc biệt là thông qua du lịch. Tuy nhiên, khi "bắt tay" thực hiện vẫn xảy ra những xung đột, chủ yếu là do việc khai thác di sản trong du lịch chưa hướng đến sự bền vững.

Năm 2017 được Tổ chức Du lịch thế giới chọn là Năm Du lịch bền vững. Du lịch bền vững cần xét theo ba nhóm tiêu chí, gồm: Bền vững về môi trường, bền vững về văn hóa - xã hội và bền vững về kinh tế. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, những nguyên tắc chung khi khai thác di sản trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong du lịch nói riêng đều được quy định trong Luật Di sản văn hóa; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật Du lịch; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Đa dạng sinh học…

Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận đều phải tuân thủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thế giới... “Vấn đề quan trọng nhất là ý thức thực hiện của các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch” - ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Trương Minh Tiến cho biết, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17-11-2016 ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố và đầu năm 2017 ban hành thêm Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội. Song, ở một số điểm đến, việc tổ chức các tour, tuyến du lịch còn chưa khoa học nên khó kiểm soát và điều chỉnh các hành vi liên quan làm di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội.

“Việc tuyên truyền, quảng bá và xây dựng các sản phẩm du lịch gắn trực tiếp với từng khu di sản, thể hiện và phát huy được nét đặc thù của địa phương dường như chưa được xếp trên vấn đề lợi nhuận” - ông Trương Minh Tiến bày tỏ.

Giải quyết hài hòa, hợp lý khi khai thác các di sản văn hóa và thiên nhiên trong du lịch luôn đòi hỏi thái độ ứng xử có trách nhiệm của những bên liên quan. Và công tác tuyên truyền để mọi người có ý thức hành động theo nguyên tắc, quy định cần được đẩy mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai thác di sản văn hóa và thiên nhiên trong du lịch: Cần cách ứng xử có trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.