(HNM) - Tăng cường trao đổi, hiểu biết, phối hợp giữa cơ quan quản lý các cấp với các tổ chức, cá nhân phát triển không gian sáng tạo là một trong nhiều giải pháp Hà Nội đang thực hiện, nhằm thúc đẩy hình thành môi trường thuận lợi cho tri thức sáng tạo. Với hướng đi này, thành phố kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt, khai mở tiềm năng, thúc đẩy sáng tạo, như những gì đã cam kết với Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu.
Thúc đẩy kết nối, hợp tác công – tư
Tọa đàm “Hợp tác công - tư thúc đẩy sự phát triển của không gian văn hóa sáng tạo”, tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng sáng tạo trên địa bàn Hà Nội. Trong không gian mở đầy ấm cúng của không gian sáng tạo Tổ ong (Điện Biên Phủ, quận Ba Đình), gần 100 đại diện đã cùng chia sẻ sôi nổi về tiềm năng, thành tựu cũng như những khó khăn gặp phải khi theo đuổi đam mê gây dựng không gian sáng tạo, hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng.
Kiến trúc sư Chu Kim Đức, đồng sáng lập dự án Think Playgrounds - Nghĩ về sân chơi trong phố, cho biết: Dù đã thực hiện thành công hơn 100 sân chơi cho trẻ em song nhiệm vụ mang đến nhiều thử thách nhất cho dự án vẫn là làm sao để thuyết phục địa phương cho triển khai dự án trên địa bàn. Nguyên nhân đến từ thực trạng quỹ đất chật hẹp cũng như một số địa phương chưa dành nhiều ưu tiên cho việc phát triển sân chơi cho trẻ. Nghệ sĩ sân khấu múa rối Nguyễn Mỹ Linh (Điều phối viên tổ hợp Mắt trần Esemble) thì nêu thực trạng thiếu tư cách pháp nhân để tổ chức các hoạt động sáng tạo được thuận lợi. Khi muốn tổ chức sự kiện, Mắt trần Esemble phải tìm cách hợp tác với các đơn vị khác để “mượn danh”, hạn chế rất nhiều cơ hội thể nghiệm tri thức sáng tạo.
Đại diện nhiều không gian sáng tạo, như: Tổ chim xanh, Hanoi Doclab, Đom đóm, Hà Nội rock city... thể hiện sự lúng túng khi tìm hướng kết nối với các cơ quan nhà nước, với mong muốn đưa thành quả sáng tạo của mình giới thiệu tại các không gian mở của thành phố. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam (TPD) Nguyễn Hoàng Phương thừa nhận, hầu hết các không gian sáng tạo còn mơ hồ về thủ tục cấp phép hoạt động thể nghiệm sáng tạo tại các không gian văn hóa công cộng, như tổ chức trưng bày, triển lãm, trình diễn nghệ thuật đương đại. “Thiếu đầu mối chung nhất khiến một nội dung phải xin phép từ nhiều cấp, nhiều phía, việc đi lại như vậy mất nhiều thời gian và gây mệt mỏi”, ông Nguyễn Hoàng Phương bày tỏ.
Để Hà Nội thực sự là nơi nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo
Với lợi thế sáng tạo sẵn có từ nguồn vốn di sản và văn hóa giàu có, bồi đắp qua nghìn năm lịch sử, Hà Nội là môi trường thuận lợi và tự nhiên để hình thành các không gian sáng tạo, thúc đẩy thành phố phát triển trên nền tảng truyền thống văn hóa giàu bản sắc. Thống kê mới nhất của Hội đồng Anh tại Hà Nội cho thấy, thành phố đang có hơn 100 không gian sáng tạo với nhiều mô hình khác nhau nhưng phổ biến nhất là mô hình không gian sáng tạo cho các hoạt động biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, mô hình ươm mầm tài năng và ý tưởng kinh doanh sáng tạo kết hợp với không gian làm việc chung.
Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh cho biết: “Hiện trên địa bàn thành phố có rất nhiều không gian văn hóa công cộng, như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn, Phố bích họa Phùng Hưng, Bảo tàng Hà Nội..., phục vụ cho các hoạt động thể nghiệm sáng tạo hoàn toàn miễn phí. Khi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, có thể liên hệ với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cụ thể là Phòng Quản lý di sản để có những tư vấn, hỗ trợ cần thiết”, bà Phạm Thị Lan Anh thông tin.
Để tạo điều kiện cho các không gian sáng tạo phát huy tiềm năng, thế mạnh, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cho rằng: Trước mắt cần kiến tạo một kênh thông tin hỗ trợ để có thể tận dụng tối đa hiệu quả các không gian sáng tạo giữa hai khu vực công - tư; hoàn thiện hệ thống chính sách, đơn giản hóa thủ tục cấp phép cũng như có cơ chế hỗ trợ về mặt bằng, giá thuê... để các không gian sáng tạo yên tâm phát triển. Về lâu dài, cần ưu tiên các khu vui chơi, các hoạt động sáng tạo cộng đồng..., khi tiến hành quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố.
Không gian văn hóa sáng tạo được xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô hiện nay. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động nhấn mạnh: Thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, gồm: Chăm lo xây dựng nền tảng sáng tạo với các hoạt động giáo dục sáng tạo; xây dựng hạ tầng sáng tạo nhằm thu hút nguồn lực, kết nối đam mê, truyền cảm hứng sáng tạo; tạo cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích phát triển các không gian sáng tạo; tổ chức các sự kiện văn hóa sáng tạo quốc tế... Những phần việc này nhằm mục đích mở đường, tạo điều kiện cho các không gian sáng tạo hoạt động hiệu quả, từ đó góp phần định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.