Xe++

Khai mạc triển lãm hàng không lớn nhất châu Á năm 2024

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 20/02/2024 15:42

Ngày 20-2, Triển lãm hàng không Singapore (Singapore AirShow), triển lãm hàng không lớn nhất châu Á, đã chính thức khai mạc kỳ 2024, lần đầu tiên sau 6 năm gián đoạn do Covid-19.

sg_airshow_1.jpg
Singapore AirShow 2024 được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Changi. Ảnh: Reuters.

Theo thông tin từ đơn vị tổ chức, có hơn 1.000 công ty từ hơn 50 quốc gia tham gia tập trung vào thương mại và quốc phòng hai năm một lần, dẫn đầu bởi những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp như Airbus, Boeing hay Lockheed Martin. Các tên tuổi Trung Quốc như COMAC và AVIC cũng góp mặt.

Các công ty Nga như Russian Helicopters và Irkut vắng mặt năm nay trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn. Tuy nhiên, các công ty Israel như Israel Aerospace Industries và Rafael Advanced Defense Systems, dù bỏ triển lãm hàng không Dubai hồi tháng 11-2023 do xung đột Israel-Hamas ở Gaza, đã tham dự sự kiện lần này.

Singapore AirShow 2024 có các màn trình diễn bay từ Singapore, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Đây cũng là dịp chiếc máy bay thương mại COMAC C919 lần đầu tiên xuất hiện bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Airbus nhân dịp này trình diễn chiếc Airbus A350-1000 có thể vận hành bằng 35% nhiên liệu hàng không bền vững.

COMAC đã công bố các đơn đặt hàng máy bay đầu tiên của triển lãm vào sáng thứ ba, với Hãng hàng không Tây Tạng của Trung Quốc hoàn tất đơn đặt hàng 40 máy bay một lối đi C919 và 10 máy bay phản lực khu vực ARJ21, và Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hàng không dân dụng Hà Nam của Trung Quốc đặt hàng 6 chiếc ARJ21.

Singapore AirShow 2024 diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu vật lộn với sự phục hồi nhu cầu đi lại. Dù vậy, từ cuối năm 2023, nhu cầu đi lại đã phục hồi gần như hoàn toàn so với mức năm 2019.

sg_airshow_3.jpg
Thiết bị bay MQ-9 Reaper của Không quân Mỹ được trưng bày tại triển lãm năm nay. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của ngành hàng không toàn cầu vẫn chìm trong khó khăn. Các nhà cung cấp lớn, các nhà sản xuất máy bay và các nhà sản xuất động cơ tiếp tục phải vật lộn để theo kịp sự phục hồi nhu cầu sau đợt suy thoái mạnh giai đoạn Covid-19.

Mỗi hãng cũng có những khó khăn riêng. Đơn cử, Boeing đang bị giám sát kỹ lưỡng sau hàng loạt sự cố liên quan tới 737 MAX. Chiếc máy bay bán chạy nhất của hãng cũng đang trong tình trạng “đóng băng” doanh số. Về phần mình, Airbus trong tháng này đã thông báo tiếp tục trì hoãn việc đưa vào khai thác các máy bay phản lực tầm xa A321XLR.

sg_airshow_4.jpg
Máy bay Airbus A350-1000 trình diễn tại sự kiện. Ảnh: Reuters.

Theo giới chuyên môn, các vấn đề về sản xuất nói trên đang trì hoãn nỗ lực của các hãng hàng không trong việc thay thế máy bay phản lực cũ bằng các mẫu tiết kiệm nhiên liệu hơn, là bất lợi trong bối cảnh ngành công nghiệp này tìm cách đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc triển lãm hàng không lớn nhất châu Á năm 2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.