(HNMO) – Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2018 vừa được khai mạc tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của 22 đơn vị nghệ thuật.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL phát biểu trong lễ khai mạc Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2018. |
Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2018) do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Liên hoan diễn ra từ ngày 11 đến 25-4.
Phát biểu tại lễ khai mạc, NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Liên hoan kịch nói toàn quốc - 2018 là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các cuộc thi, liên hoan diễn ra trong năm 2018 và cũng là năm đầu tiên thực hiện Đề án điều chỉnh cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp trong 3 năm 2018 - 2020, nhằm thúc đẩy lao động sáng tạo nghệ thuật cho các đơn vị trong và ngoài công lập. Liên hoan là dịp để các đơn vị nghệ thuật kịch nói, các nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, trao đổi, học hỏi và phát hiện những tìm tòi mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật.
Sau phần khai mạc là vở “Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam được nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể từ tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Vở diễn “Kiều” được NSND Anh Tú thực hiện nhiều phương pháp sân khấu thử nghiệm khi kết hợp diễn, hát và múa. Đạo diễn dùng nhiều hình ảnh hoa sen trên sân khấu với hàm ý thể hiện vẻ đẹp mộc mạc, trong sáng của người phụ nữ Việt Nam, luôn mạnh mẽ vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
So với các lần tổ chức trước, liên hoan năm nay có nhiều nét mới. Việc Ban tổ chức chọn thành phố Hồ Chí Minh – nơi có hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển nhất cả nước cũng khiến cho bầu không khí của liên hoan “nóng” lên ngay từ những ngày chuẩn bị.
Cảnh trong vở “Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam mở màn liên hoan. |
Bên cạnh việc Ban tổ chức mở rộng điểm diễn phụ trợ, một số đơn vị của TP Hồ Chí Minh còn biểu diễn ngay tại sân khấu của mình đã giúp giảm bớt khó khăn về đi lại và kinh phí tổ chức.
Số lượng đơn vị sân khấu xã hội hóa đăng ký tham dự vượt trội so với các kỳ trước. Năm nay có 22 đơn vị đăng ký tham gia thì có tới 13 đơn vị ngoài công lập. Thời lượng vở diễn quy định cũng được rút ngắn hơn so với các kỳ liên hoan trước để phù hợp với điều kiện xã hội hiện tại, từ 90 đến 120 phút.
Quy chế chấm giải và khen thưởng cũng có điểm mới, khi quy định tặng giải thưởng xuất sắc nhất cho 1 đạo diễn trẻ có tuổi đời không quá 35.
Năm nay, Ban tổ chức không giới hạn đề tài nên các vở diễn tham dự liên hoan rất phong phú và đa dạng, mang đến nhiều sắc màu tươi mới. Nếu các đoàn phía Bắc mạnh về đề tài cách mạng, ca ngợi người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ như: “Tình đồng đội” (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn – Thanh Hóa); “Bão tố Trường Sơn” (Nhà hát Kịch Việt Nam); “Bản tình ca viết dở” (Đoàn Kịch nói Nam Định)… thì các đơn vị phía Nam lại đi sâu vào khai thác đề tài gia đình, những mối quan hệ trong xã hội như: “Gương mặt kẻ khác” (Nhà hát 5B); “Mua chồng 30 vạn” (Công ty Sài Gòn phẳng); “Thiên thần nhỏ của tôi” (Sân khấu Hồng Hạc); “Tiếng vạc sành” (Sân khấu Minh Nhí); “Lũ quỷ sống” (Công ty TNHH sân khấu – điện ảnh Gia Đình)…
Trước thềm Liên hoan, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức đã có buổi làm việc với các đơn vị để lắng nghe, trao đổi và đưa ra những quyết sách kịp thời hỗ trợ tối ưu cho các đơn vị tham dự.
Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018 sẽ bế mạc và trao giải vào tối 25-4.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.