(HNMO) – Sáng 10/12, tại Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam 2012 (CG). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đông đảo lãnh đạo các bộ ngành, đại sứ các nước, các cơ quan phát triển đã đến dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh cho biết: Năm 2012, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam đã đạt được nhiều kết qủa đáng khích lệ. Trong đó, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng cả năm dự báo được kiềm chế ở mức 7,5%. So với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến theo hướng tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ giá đã cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng và đặc biệt là quá trình tái cơ cấu đã có những kết quả ban đầu.
Năm 2013 dự báo vẫn là thời gian khó khăn với Việt Nam cũng như cộng đồng các nhà tài trợ. Chính vì thế, việc phân bổ ngân sách của các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ có không ít khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam mong được cộng đồng tiếp tục hỗ trợ vì đây là nguồn vốn quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ, cải thiện phương thức đối thoại để sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả hơn nữa.
Tại phiên khai mạc hội nghị, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã chúc mừng Chính phủ đạt được những kết quả ấn tượng về ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012. Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa cảnh báo: xu hướng tăng trưởng tiếp tục giảm xuống trong những năm qua (năm nay là tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999), cho thấy nền kinh tế đang mất đi một số động lực mà những cản trở về cơ cấu đã và đang làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Các nguyên nhân kém hiện nay được xác định từ khối doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngân hàng, tài chính và đầu tư công thiếu hiệu quả.
Theo bà Victoria Kwakwa: “Không có những giải pháp quyết đoán, chi phí để giải quyết những thách thức này sẽ cao. Ở một số nước, chi phí giải quyết khó khăn trong khu vực tài chính cao đến mức 30-40% GDP. Không có giải pháp kiên quyết, Việt Nam cũng có khả năng gặp rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình với năng lực cạnh tranh thấp, với khả năng quay trở lại tình hình bất ổn định tái diễn làm nghiêm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng trong xã hội”.
Theo đó, hội nghị lần này sẽ thảo luận hai vấn đề là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thành công khi trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Đó là, Việt Nam cần xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng dịch chuyển từ năng suất thấp, giá trị thấp sang năng suất và giá trị cao hơn.
Kỹ năng cao là cần thiết trong các lĩnh vực như kỹ thuật, nhận thức và giao tiếp. Nâng cao những kỹ năng này trong lực lượng lao động sẽ đòi hỏi phải tăng cường toàn bộ hệ thống giáo dục từ cấp mẫu giáo đến cấp đại học và dạy nghề giúp đặt nền tảng vững chắc cho quá trình học tập lâu dài.
Mặt khác, việc quản lý các nguồn lực đất đai hạn chế của Việt Nam cũng rất quan trọng. Đảm bảo quyền sở hữu đất cho người dân, việc sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp, tăng cường sử dụng đất cho các nhóm dễ tổn thương như phụ nữ, người nghèo và dân tộc thiểu số; giúp tăng cường tính minh bạch và bình đẳng cho việc thu hồi và đền bù đất đai của Nhà nước và hạn chế những vấn đề nảy sinh trong quá trình thu hồi đất bắt buộc. “Chúng tôi hy vọng những điểm này sẽ được thể hiện trong Luật Đất đai mới sẽ được thông qua vào năm 2013” – bà Victoria Kwakwa nói.
Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam lần này sẽ là hội nghị cuối cùng được tổ chức theo mô hình được thiết kế từ 20 năm trước chủ yếu để phục vụ cho diễn đàn huy động nguồn lực ODA. Hiện nay hầu hết các đối tác phát triển đã có những cam kết, thảo luận ODA riêng và chức năng huy động nguồn lực của hội nghị các nhà tài trợ đã không còn phù hợp. Theo đó, tới đây sẽ có một diễn đàn đối thoại mở rộng và hợp lý giữa Chính phủ và các đối tác về phát triển của Việt Nam. Diễn đàn mới này sẽ sử dụng một cách hiệu quả sự tham gia của các bên liên quan. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.