Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc 4 triển lãm công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn tại Hà Nội

Lan Hương| 04/09/2013 13:18

(HNMO) – Sáng 4/9, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội đã khai mạc đồng lúc 4 triển lãm quy mô lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.


Đó là triển lãm “Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2013”, “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5 tại Hà Nội”, “Triển lãm Công nghệ cao Nhật Bản năm 2003” và “Triển lãm Quốc tế về Công nghệ Chế tạo Phụ tùng Công nghiệp tại Việt Nam 2013”.

Tham dự lễ khai mạc triển lãm có ông Yasuaki Tanizaki – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu… cùng đông đảo các quan khách, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.


Cắt băng khai mạc 4 triển lãm.


"Vietnam Manufacturing Expo 2013" được đánh giá là triển lãm toàn diện nhất về công nghiệp hỗ trợ và sản xuất, kết nối hơn 10.000 nhà công nghiệp với những công nghệ và sáng tạo tiên tiến nhất từ 200 nhà trưng bày đến từ 20 quốc gia. Đây cũng là sân chơi tương tác giữa các nhà công nghiệp, giúp họ khám phá nhiều công nghệ mới để nâng cao sản xuất, lĩnh hội nhiều kiến thức và ý tưởng mới cũng như mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Bên cạnh đó, các cơ hội hợp tác kinh doanh được rộng mở khi triển lãm được tổ chức đồng địa điểm với “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5 tại Hà Nội” do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) và Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (VIETRADE) - Bộ Công thương phối hợp tổ chức. Đây là nơi hội tụ của những sản phẩm phụ tùng công nghiệp cho các nhà sản xuất Việt Nam và các nhà chế tạo phụ tùng khâu 1 tìm kiếm các nhà chế tạo phụ tùng ở khâu 2, khâu 3. 

Nhiều đối tác quan tâm đến các nhà cung cấp Việt Nam.


Mặt khác, “Triển lãm Công nghệ cao Nhật Bản” đồng tổ chức lần này cũng đã trưng bày những sản phẩm công nghệ cao ở nhiều lĩnh vực; trình diễn kỹ thuật robot tiên tiến… để kỷ niệm 40 năm quan hệ hữu nghị Việt – Nhật.

Đáng chú ý, thực hiện Chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm năm 2013 của UBND TP Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Hà Nội (Sở Công thương Hà Nội) đứng ra tổ chức “Khu Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2013 - Industrial Component & Subcontracting Vietnam 2013” (ISC 2013). Các doanh nghiệp tham gia đã được TP Hà Nội hỗ trợ 100% kinh phí gian hàng; giao thương, tiếp xúc với đối tác nước ngoài trong chương trình của Ban tổ chức và các hoạt động phụ trợ khác.



Quy mô khu triển lãm ISC rộng khoảng 300 m2 tương đương 33 gian hàng tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp tham gia trong triển lãm lần này, tập trung sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành cơ kim khí, các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực của Thành phố; sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của các tỉnh lân cận… Ghi nhận trong ngày đầu diễn ra triển lãm cho thấy với những mặt hàng trưng bày của các doanh nghiệp Việt như: Phụ tùng ô tô, phụ tùng điện và điện tử, phụ tùng động cơ, dịch vụ công nghiệp, phụ tùng cơ khí, phụ tùng kim loại, phụ tùng nhựa, cao su và composite… đã thu hút được sự quan tâm của các đối tác muốn tìm nhà cung cấp.

Khu triển lãm ISC giới thiệu các thế mạnh của ngành công nghiệp phụ trợ Hà Nội.



Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: “Trong chính sách chiến lược công nghiệp của quốc gia cũng như kế hoạch phát triển công nghiệp của Thủ đô giai đoạn 2011- 2015, phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát huy ảnh hưởng tác động dây chuyền trong các công đoạn sản xuất; tạo ra các sản phẩm trung gian có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao có vai trò hỗ trợ trong hệ thống sản xuất công nghiệp và công nghiệp tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành công thương Hà Nội để đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô”.

“Hà Nội đang phối hợp, liên kết chặt chẽ với các tỉnh/thành phố trong vùng để phân bổ nguồn lực và phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Thông qua khu Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2013, các doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh trong khu vực phía Bắc Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu năng lực, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư nhằm gia tăng các giao dịch thương mại có giá trị với các đối tác bạn hàng không chỉ là Nhật Bản mà còn các bạn hàng trong khu vực ASEAN cũng như trên thế giới” – Phó Chủ tịch TP Hà Nội cho biết thêm.

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thăm gian hàng của các doanh nghiệp.


Bên cạnh đó, bà Đào Thu Vịnh – Phó Giám đốc Sở Công thương nêu rõ: Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã phát triển khá nhanh trong 5 năm gần đây, đã hình thành hệ thống thu hút sự tham gia của trên 1000 doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp công nghiệp trung ương và địa phương, doanh nghiệp dân doanh. Đến nay, Hà Nội đã được đánh giá là trung tâm công nghiệp hỗ trợ lớn của quốc gia.

Các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thế mạnh của Hà Nội là linh kiện ô tô, xe máy, vật liệu điện, bao bì, phụ tùng cơ khí xi măng, cơ khí mỏ, nhiệt điện, thủy điện… đã nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thay thế phụ tùng linh kiện nhập khẩu, làm giảm giá thành và tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp của cả nước.

Hơn nữa, tham gia vào những cuộc triển lãm như lần này, sẽ có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai gần. Trong khi nhiều công ty nước ngoài trình diễn công nghệ mới mà họ muốn cung cấp tại thị trường Việt Nam, thì các công ty trong nước tham gia triển lãm cũng có dịp giới thiệu khả năng của mình để tìm kiếm đối tác. Nhất là với những công ty Nhật Bản, đây là cơ hội để tìm kiếm đối tác Việt Nam có khả năng cung cấp sản phẩm phụ trợ ngay tại thị trường trong nước, thay vì phải nhập khẩu.

Ông Daisuke Hiratsuka – Phó Chủ tịch điều hành Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản cho biết thêm: “Sự khó khăn trong nội địa hóa linh kiện ở Việt Nam là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp chế tạo Nhật Bản tại Việt Nam đang gặp phải. Theo điều tra của Jetro, tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, nguyên phụ liệu ở Trung Quốc và Thái Lan chiếm tới 50-60%, trong khi ở Việt Nam chưa đạt tới 30%, trong đó chỉ có 45% là mua từ doanh nghiệp trong nước. Chi phí nhân công của Việt Nam khiêm nhường hơn so với Trung Quốc, Thái Lan nhưng lại phải phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều linh kiện nên có trường hợp tổng chi phí sản xuất lại rất cao”.

Khu giới thiệu ngành công nghiệp phụ trợ của Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội.


“Vì vậy, để Việt Nam có thể cạnh tranh với quốc tế, hướng đến mục tiêu thực hiện Công đồng kinh tế ASEAN năm 2015 và công nghiệp hóa đất nước năm 2020, thì sự phát triển của ngành công nghiệp là rất quan trọng” - ông Daisuke Hiratsuka khẳng định.

Bốn triển lãm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên còn mở cửa đón khách tham quan, giao dịch đến hết ngày 6/9/2013.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc 4 triển lãm công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.