Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khách nội tìm đường du lịch ngoại: Chảy máu ngoại tệ !

Thu Trang| 28/03/2011 06:56

(HNM) - Vào những dịp nghỉ lễ dài ngày, tháng 4 hằng năm là dịp để ngành du lịch mở rộng thị trường nội địa. Tuy nhiên, sự tăng giá dịch vụ thuê xe, vận chuyển, vé máy bay, phòng khách sạn trong thời gian qua đã khiến tour nội địa ở thời điểm này khó cạnh tranh với tour ngoại.

Việc khách nội ồ ạt xuất ngoại sẽ không chỉ là nạn chảy máu ngoại tệ, mà còn "giúp" một số công ty vì muốn trục lợi đã phá giá rồi tìm cách bù lại bằng cách "cắn" vào chất lượng tour và các mức hoa hồng mua sắm khiến du khách Việt Nam bị xem nhẹ ở thị trường nước ngoài...

Tour nội giảm sức hút


Thêm một người Việt lựa chọn du lịch nước ngoài là thêm một khoản ngoại tệ được “xuất cảnh”.    Ảnh: Linh Tâm


Sắp tới những ngày lễ lớn như Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5. Nắm bắt cơ hội, nhiều hãng lữ hành đã tung ra những chùm tour du lịch trong và ngoài nước đặc sắc để thu hút du khách.

Với việc giới thiệu hơn 250 tour trong và ngoài nước khởi hành trên toàn quốc cùng nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi hấp dẫn, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist dự kiến dịp này sẽ thu hút khoảng 14.000 khách đặt tour. Còn Vietravel hy vọng sẽ phục vụ khoảng 20.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước dịp 30-4 (tăng 35% so với năm 2010). Cũng triển khai trên 200 tour trong và ngoài nước, Công ty Du lịch Fiditour ước tính khoảng 22.000 lượt khách (tăng gần 30% so với cùng kỳ) chọn dịch vụ của họ.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hanoi Redtours, do ảnh hưởng của tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu tăng... nên giá tour nội địa đã tăng hơn 50% so với trước. Nếu như ở thời điểm này năm ngoái, Hàng không Việt Nam hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch bằng việc giảm giá vé máy bay thì năm nay, khi chương trình kích cầu không còn, vé máy bay đã tăng 200%. Chẳng hạn, vé máy bay Hà Nội - Sài Gòn năm 2010 là 2 triệu đồng, năm nay đã là 4 triệu đồng. Giá xăng tăng, cước phí ô tô cũng tăng, ngay cả giá phòng khách sạn và mức ăn trong tour cũng tăng 10%.“Nhiều tour trong nước có giá tới 8-9 triệu đồng, thậm chí lên tới hơn 10 triệu đồng. Với mức giá này, sức hút khách của các tour nội bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh.

Tour ngoại đắt khách


Không bị ảnh hưởng bởi giá dịch vụ trong nước mà chỉ chịu sự tác động của giá vé máy bay và việc tăng tỷ giá nên tour ngoại tăng “nhẹ” 10-20%. Do đó, người dân có thể chọn đến Thái Lan, Malaysia hay Trung Quốc thay vì đăng ký tour trong nước.

Anh Nguyễn Huy Hoàng, nhân viên Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam cho biết: Sau khi xem bảng giá niêm yết của một số hãng, anh đã quyết định đặt tour đến Thái Lan vào dịp 30-4 tới bởi tour đến Đà Nẵng, Hội An, Bà Nà, Phú Quốc, Nha Trang... đều có giá khoảng từ 7 đến 12 triệu đồng, trong khi giá tour đi Thái Lan, Malaysia, Singapore chỉ từ 6 đến 9 triệu đồng. “Nếu giá tour trong nước ngang bằng hoặc đắt hơn tour nước ngoài, không chỉ tôi mà nhiều người sẽ chọn ra nước ngoài thưởng ngoạn, khám phá”, anh Nguyễn Huy Hoàng nói.
Còn hơn một tháng nữa mới đến dịp nghỉ lễ nhưng tại thời điểm này, nhiều tour ngoại đã khóa sổ. Tại Hanoi Redtours, các tour đi Thái Lan, Hồng Kông, Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc) đều kín chỗ. Những tour đi Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Côn Minh (Trung Quốc), Campuchia hiện chỉ còn ít chỗ. Trong khi đó, với những điểm du lịch luôn được coi là “nóng” vào mùa cao điểm như Nha Trang, Sài Gòn - Mũi Né, Phú Quốc... lượng khách đăng ký không nhiều. Thậm chí, tour đến Đà Nẵng xem bắn pháo hoa quốc tế đang là sự lựa chọn số một của du khách vào dịp 30-4 nhưng hiện vẫn còn chỗ, khác xa năm ngoái.

Điều đã nói lâu nay là tính liên kết của du lịch Việt Nam yếu kém. Cứ mỗi dịp nghỉ lễ, thấy khách đông là lập tức nơi nơi đua nhau tăng giá, “chặt chém” mà không có sự kiểm soát. Như ở cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (2010), nhiều khách sạn đã lợi dụng sự kiện này để tăng 30% giá phòng. “Thống kê lượng khách của Hanoi Redtours, trung bình mỗi năm có 80% du khách ra nước ngoài du lịch, chỉ có 20% khách đặt tour trong nước. Nhiều khách Việt ra nước ngoài không chỉ để du lịch mà còn để mua sắm. Thậm chí, có những vị khách đã bỏ ra một vài nghìn đô la Mỹ chỉ để mua mỹ phẩm và túi xách. Như vậy, mỗi năm ngành du lịch nước ta để lọt một nguồn ngoại tệ không nhỏ”, ông Nguyễn Công Hoan lo lắng.

Cần có chính sách kích cầu

Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, thị trường du lịch dịp nghỉ lễ cuối tháng 4 năm nay không có biến động mạnh, dù nhu cầu của khách vẫn tăng nhưng chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng quá tải tại các điểm du lịch. Với kinh nghiệm nhiều năm tổ chức tour, ông Nguyễn Công Hoan nhận định, năm ngoái việc “cháy” tour đã khiến không ít du khách phải “vơ bèo gạt tép”, vớt vát những điểm đến còn chỗ trống hay chọn tour du lịch không bảo đảm chất lượng của những doanh nghiệp nhỏ, lẻ không có uy tín thì năm nay, khách hàng thực sự trở thành “thượng đế”. Lý do là bởi lượng khách nội địa có thể sẽ giảm mạnh do bị chia sẻ với du lịch ngoài nước. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương kích cầu du lịch nội địa mà ngành du lịch đề ra.

Để phát huy thế mạnh của du lịch nội địa ngành du lịch cần nhanh chóng xây dựng chính sách kích cầu du lịch để tạo sức cạnh tranh giữa tour nội và ngoại. Chính sách này phải được duy trì lâu dài, không thể mang tính thời vụ.

Ngay tại thời điểm xảy ra suy thoái kinh tế, nhiều nước trên thế giới đã hạn chế công dân đi du lịch nước ngoài để kích cầu du lịch trong nước. Tuy nhiên, theo quan điểm của Tổng cục Du lịch Việt Nam, khó có thể hạn chế người Việt chọn du lịch nước ngoài như một số nước đã từng áp dụng bởi đó là quyền đi lại, du lịch của mỗi người. Thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam sẽ phải tăng cường các biện pháp thu hút du khách nước ngoài như các nước hút khách Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khách nội tìm đường du lịch ngoại: Chảy máu ngoại tệ !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.