Đợt xét tuyển đại học, cao đẳng đầu tiên đã gây ra rất nhiều băn khoăn, tranh luận. Ngày 21-8, tôi có đọc bài viết trên trang 1 Báo Hànộimới với tiêu đề
Nếu như kỳ thi THPT quốc gia vừa qua được dư luận đánh giá là có nhiều điểm mới tích cực như gộp hai kỳ thi làm một, mở cửa cho các trường có phương án tuyển sinh, phương án xét tuyển riêng thì đợt xét tuyển ĐH, CĐ không diễn ra êm ả như vậy. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người ta có thể nhìn thấy và thấu hiểu nỗi vất vả của nhiều thí sinh và phụ huynh trong suốt đợt xét tuyển khi họ phải nơm nớp, hồi hộp dõi theo diễn biến lên xuống của điểm, cân nhắc, quyết định, rồi đi lại và chờ đợi được rút, được nộp hồ sơ. Sau đó lại tiếp tục một chu trình theo dõi, hồi hộp. Chu trình ấy làm khổ rất nhiều người. Ấn tượng mà nhiều người nhớ nhất về kỳ thi này chắc hẳn chính là cảnh tượng cả một hội trường đông chật thí sinh đang nín thở trước thời khắc chốt sổ đăng ký, cũng chính là chốt lại mức điểm quyết định thí sinh có giành được một chỗ trong giảng đường ĐH hay không. Vấn đề đặt ra, quan trọng nhất, như Báo Hànộimới đã nêu trong bài viết nói trên là với rất nhiều thí sinh, vấn đề không còn là tìm ra trường phù hợp với nguyện vọng và năng lực của mình, mà chỉ là giành được một chỗ trong giảng đường. Điều này có liên quan gì đến chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực hay không?
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã bày tỏ sự chia sẻ những vất vả này với thí sinh. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng tình trạng nói trên xảy ra ở khoảng 30-40 trường, tức là khoảng 1/10 tổng số trường ĐH, CĐ trên cả nước. Tại đó, có một số thí sinh đăng ký khi còn ít người nộp hồ sơ. Khi lượng hồ sơ tăng lên với nhiều thí sinh điểm cao thì khả năng trúng tuyển của các thí sinh trước đó thấp đi, nên các em đến rút hồ sơ. Thời điểm rút hồ sơ lại tập trung nên đã gây vất vả cho thí sinh ở một số trường, phải chờ đợi lâu.
Ngày 21-8, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đưa ra thống kê, theo đó, số lượt rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng là 43.000, chiếm 8,1% số thí sinh. Mặc dù số lượng dịch chuyển nói trên không thể so sánh với sự dịch chuyển của hàng triệu thí sinh trong những đợt thi trước kia, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận: Do nhiều nguyên nhân Bộ đã có những vướng mắc về phương pháp khiến thí sinh, phụ huynh căng thẳng. Bên cạnh đó, các trường cũng có những vấn đề trong thông tin cho thí sinh, đưa ra ngưỡng điểm đồng loạt thấp, khiến hàng chục nghìn thí sinh phải chạy đôn, chạy đáo.
Việc được đăng ký tới 4 nguyện vọng vào cùng một trường mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề cập ở trên cũng chính là điều mà nhiều chuyên gia tuyển sinh đánh giá là điểm bất cập nhất của đợt xét tuyển vừa qua. Việc có tới 4 nguyện vọng trong một trường vô tình đã khích lệ thí sinh coi trọng việc đỗ đại học thay vì theo đuổi một nghề. Các em cố gắng đăng ký vào một ngành nào đó để đỗ đại học mà bỏ qua việc nó có phù hợp với sở thích, năng lực và nhu cầu việc làm sau khi tốt nghiệp hay không.
Tôi nghĩ rằng, việc phần lớn thí sinh đăng ký cả 4 nguyện vọng có nghĩa là tên các em xuất hiện trong danh sách đăng ký ở cả 4 ngành. Trong khi đó, phần mềm xét tuyển mà Bộ GD-ĐT giới thiệu như một bước tiến mới trong công tác tuyển sinh có vẻ đã không giúp xử lý những phức tạp mà việc này gây ra. Hầu hết các trường đã buộc phải xây dựng thêm phần mềm xét tuyển riêng. Việc không thống nhất về hạ tầng công nghệ thông tin giữa các trường và Bộ khiến cho các biện pháp "chữa lửa" của Bộ ở giai đoạn cuối của đợt xét tuyển gần như không thể phát huy tác dụng. Từ lời nhận trách nhiệm của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ít nhất, tôi nghĩ "sáng kiến" 4 nguyện vọng/ trường năm nay không thể áp dụng ở các mùa tuyển sinh sau. Bên cạnh đó, những bất cập về ứng dụng công nghệ thông tin trong xét tuyển chắc chắn cần phải được cải thiện để đáp ứng yêu cầu của công tác tuyển sinh.
Hiện tại, ngoài những trường nhóm trên đã tuyển đủ chỉ tiêu, các trường khác còn đợi thống kê xong để xác định có tiếp tục tuyển nguyện vọng bổ sung hay không. Tuy nhiên, chắc chắn còn một nhóm trường công lập và nhiều trường dân lập vẫn còn chỉ tiêu cho các thí sinh chưa đạt nguyện vọng ở đợt xét tuyển thứ nhất. Với đợt xét tuyển bổ sung sắp tới, Bộ GD-ĐT và các trường cần tính toán kỹ để bảo đảm rắc rối không xảy ra và thí sinh có thể chọn được môi trường học tập khả dĩ phù hợp với khả năng của mình thay vì "nhắm mắt để có một chỗ trong giảng đường".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.