Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tệ lan man, lấp liếm

Nguyệt Linh| 10/04/2023 06:28

(HNM) - Tổ chức cuộc họp bàn giải quyết những vấn đề đời sống, thực tiễn đặt ra là yêu cầu tất yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Song để cuộc họp đạt chất lượng, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của mỗi đơn vị, cá nhân, đặc biệt là cần khắc phục được tình trạng cán bộ mắc tệ lan man, lấp liếm khi tham gia hội họp.

Hiện nay, chất lượng các hội nghị, cuộc họp ở nhiều cấp, ngành ngày càng được nâng lên. Tiêu biểu là các hội nghị do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội tổ chức. Không chỉ rút ngắn thời gian, nhờ đổi mới tư duy, nhất là trong công tác điều hành của chủ tọa, các cuộc họp đã đi thẳng vào vấn đề. Sau các cuộc họp đều có kết luận cụ thể, rõ ràng và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, nhờ áp dụng hình thức trực tuyến, các hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết, chủ trương lớn của Trung ương được tổ chức với quy mô toàn quốc, có sự tham gia của số lượng lớn đại biểu. Ví dụ, hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) diễn ra tháng 12-2022 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đã kết nối từ điểm cầu trung ương tới 11.632 điểm cầu trên toàn quốc với hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia. Cách làm đổi mới này đã góp phần tiết kiệm rất lớn cho ngân sách và thời gian cho các cấp địa phương; đồng thời bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong nhận thức từ Trung ương xuống cơ sở...

Từ sự gương mẫu của Trung ương, xuống các địa phương như tại thành phố Hà Nội, chất lượng hội họp cũng được quan tâm, tập trung đổi mới gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đơn cử như hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Trước đây, họp tập trung tại một điểm chỉ có khoảng hơn 200 cán bộ chủ chốt tham dự. Nhưng hiện nay, nhờ tổ chức trực tuyến, hội nghị giao ban quý I-2023 vừa qua được kết nối tới gần 600 điểm cầu với sự tham gia của gần 9.000 đại biểu từ thành phố xuống các phường, xã, thị trấn. Nhờ đó, những quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố được chuyển tải trực tiếp xuống cơ sở..

Tuy nhiên, như đã đề cập, trong nhiều cuộc họp ở cả cấp tỉnh và phổ biến ở cấp huyện, cấp xã vẫn còn tình trạng lan man, kể lể trong phát biểu của không ít cán bộ, thậm chí có hiện tượng dùng báo cáo thành tích để lấp liếm, né tránh yêu cầu giải trình của chủ tọa. Nhiều trường hợp cán bộ không tuân thủ quy định thời gian phát biểu, không đi vào trọng tâm, còn nặng về "kính thưa", "kính gửi", báo cáo tình hình, bối cảnh, diễn giải quá trình… thay vì đi thẳng vào nội dung chính, tập trung vào hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đề xuất giải pháp khắc phục... Có trường hợp, chủ tọa vài lần nhắc nhở vẫn “ngó lơ”, hồn nhiên tiếp tục kể lể, trình bày...

Cách tham gia hội họp như thế vô hình trung làm giảm không khí nghiêm túc của cuộc họp, gây khó chịu cho người tham gia, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả chung. Xét về tư cách cán bộ, tham gia hội họp như vậy còn là biểu hiện thiếu trách nhiệm, gián tiếp gây lãng phí tiền của Nhà nước, công sức, thời gian của chung; ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần làm việc của người khác.

Để khắc phục tật xấu này trong đội ngũ cán bộ, nhất thiết, các cấp, ngành, trước hết là trong cấp ủy tổ chức Đảng phải chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hội họp nói riêng và nâng cao hiệu quả công việc nói chung. Mỗi hội nghị, cuộc họp khi tổ chức phải rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải quyết được những vấn đề đặt ra; cần lấy “thước đo” chủ yếu là sản phẩm, hiệu quả thực thi các nhiệm vụ chính trị, là phục vụ nhân dân, là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, khắc phục những hạn chế, yếu kém đang tồn tại...

Các cuộc họp cần được tổ chức trên cơ sở cắt giảm tối đa về mặt lễ nghi không cần thiết, đổi mới khâu trình bày báo cáo như áp dụng mô hình “slide” thuyết trình, video; gửi và đề nghị đại biểu đọc trước tài liệu, khi vào cuộc họp là tiến hành thảo luận ngay. Người chủ tọa điều hành cuộc họp có vai trò quyết định đối với chất lượng cuộc họp, cần kiên quyết, quyết liệt đặt chất lượng lên hàng đầu, không chấp nhận “du di” bỏ qua cho bất kỳ biểu hiện nào của tệ lan man, lấp liếm; sẵn sàng yêu cầu đại biểu đi thẳng vào vấn đề, cần thiết phải phê bình, chấn chỉnh ngay.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đối với cán bộ chủ chốt cần phải có riêng chương trình, nội dung được thiết kế chuyên sâu về điều hành hội nghị, cuộc họp, cập nhật những hình thức tổ chức hội nghị mới hiện nay. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần quan tâm hình thành văn hóa trong tham gia hội họp, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng chuyên nghiệp, có tác phong quy củ, chuẩn mực.

Đồng thời, các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nên xây dựng quy chế, quy định về trách nhiệm cụ thể đối với cán bộ, công chức khi tham gia hội họp gắn với công tác chấm điểm, đánh giá cán bộ. Hiện nay, một số địa phương như tại quận Long Biên đã đưa vào áp dụng bộ tiêu chí đánh giá sự chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, trong đó có những nội dung liên quan đến trách nhiệm trong tham gia hội họp. Đây là mô hình hoàn toàn có thể nghiên cứu, nhân rộng.

Xét cho cùng, hội họp là một hình thức rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy tổ chức Đảng. Muốn nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, các cấp ủy tổ chức Đảng nhất định phải đổi mới nâng cao chất lượng hội họp; mà một trong những điểm mấu chốt là khắc phục bằng được những tật xấu liên quan, trong đó có tệ lan man, lấp liếm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tệ lan man, lấp liếm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.