Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục sự cố sụt lún tại kè Thanh Am (Long Biên): Chờ đến bao giờ?

Chí Kiên| 02/06/2011 06:35

(HNM) - Đã hơn một năm trôi qua, nhưng sự cố sụt lún tại kè Thanh Am (quận Long Biên) trên đê hữu Đuống vẫn chưa được khắc phục dù đó là vị trí trọng yếu trong hệ thống phòng, chống lụt bão của Hà Nội, có ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của cư dân.

Xuất hiện nhiều hố sạt mới cạnh tường chắn cơ kè Thanh Am. Ảnh:Thu Hằng.

Sụt lún nghiêm trọng

Kè Thanh Am thuộc đê hữu Đuống ở vị trí từ K3+700 đến K5+120, dài 1.420m trên địa phận phường Thượng Thanh và Đức Giang, quận Long Biên. Có mặt tại kè vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi không khỏi lo lắng trước tình trạng sụt, sạt ở khu vực này. Mảng tường chắn cơ kè dài khoảng 50-60m đã bị lún và dịch chuyển ra phía lòng sông từ 0,1-0,8m so với vị trí ban đầu. Các khối bê tông nằm ngổn ngang, bị đất, đá bồi lấp, cỏ dại bao phủ. Quanh khu vực này là hàng chục hố sụt, sạt mới có đường kính từ 10cm đến khoảng 40cm, độ sâu rất khó nhận biết bằng mắt thường. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, ở chân kè từ vị trí K4+900 đến K5+100, rọ đá và rồng đá hộ chân đã bị tụt sâu dưới mặt nước. Điều đáng lo ngại là vị trí sạt lở của kè Thanh Am nằm ngay cạnh chân đê hữu Đuống. Chủ tịch UBND phường Đức Giang Nguyễn Quốc Long cho biết, hiện tượng sạt lở kè xảy ra cách đây hơn một năm, đã được báo cáo kịp thời lên UBND quận Long Biên và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, sự cố vẫn chưa được khắc phục dù cơ quan chức năng đã tới hiện trường để khảo sát tình hình.

Trao đổi với PV Hànộimới, Hạt trưởng Hạt quản lý đê số 5 Nguyễn Phú Bích cho biết, kè Thanh Am được xây dựng cách đây hơn 30 năm. Tháng 1-2006, mái kè đã bị nứt, trượt và được xử lý bằng cách thả rồng đá vuông góc và song song với đê; xếp rọ đá hộ chân đê; đóng cọc bê tông 10m để giữ ổn định cho phần mái phía trên. Tuy nhiên, đến tháng 12-2006, vị trí từ K4+939 đến K4+959 trên cơ kè Thanh Am lại xuất hiện vết nứt mới. Qua theo dõi, hiện tượng nứt mái kè phát triển chậm, đẩy dần tường chắn cơ kè ra lòng sông. Đến tháng 2-2010, sự cố phát triển thành 4 vết nứt với chiều dài khoảng 70m, nơi nứt rộng nhất là 0,7m và sâu nhất là 0,8m. Kể từ thời điểm đó đến nay, diễn biến sụt lún chậm nhưng ẩn họa không thể lường trước.

Cần khẩn trương xử lý

Theo Trưởng phòng Kinh tế quận Long Biên Nguyễn Văn Vinh, kè Thanh Am là một trong 3 kè trọng điểm trên địa bàn quận. Khi sự cố xảy ra quận Long Biên đã đề nghị TP chỉ đạo xử lý để bảo đảm an toàn. Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đỗ Huy Chiến cho biết, trước mắt, khi chưa xử lý được sự cố, để chủ động đối phó với những tình huống bất ngờ trong mùa mưa bão 2011, UBND quận đã xây dựng phương án kỹ thuật, vật tư, thiết bị, nhân lực, phương tiện, dụng cụ, sẵn sàng xử lý hiện tượng sạt, trượt mái kè. UBND quận cũng chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan chủ động phương án hộ đê, theo dõi chặt chẽ diễn biến đê, kè.

Theo quan sát của PV Hànộimới, kè Thanh Am nằm gần cửa sông, vào mùa mưa lũ, nước sông Hồng chảy vào sông Đuống rất mạnh. Tại vị trí của kè, do dòng sông cong và mặt cắt hẹp nên dòng nước càng hung dữ. Hơn nữa, kè nằm ngay cạnh cầu Đuống, dễ bị ảnh hưởng khi dòng chảy biến đổi khi chảy qua các trụ cầu. Theo Hạt trưởng Nguyễn Phú Bích, kết quả khảo sát mới đây cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, lòng sông Đuống đoạn kè Thanh Am đã bị bào mòn, sâu xuống từ 3-4m. Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến kè Thanh Am bị sạt, trượt nhiều lần. Vì vậy, việc xử lý sự cố kè cần tính đến yếu tố này để bảo đảm ổn định kè lâu dài. "Chi cục Quản lý đê điều và PCLB Hà Nội đã tiến hành đánh giá, khảo sát và đề nghị Hạt cùng quận Long Biên tiếp tục theo dõi tình hình. Vì muốn xử lý triệt để, tổng thể phải nghiên cứu tình hình dòng chảy từ cửa sông Đuống" - ông Bích cho biết.

Câu hỏi đặt ra lúc này là sự cố xảy ra cách đây đã hơn một năm nhưng chưa được xử lý, vẫn phải chờ... nghiên cứu. Việc ấy "tắc" do đâu? Vẫn biết khu vực này dòng chảy hẹp, phức tạp, lại gần cửa sông nên giải pháp xử lý phải tính toán kỹ lưỡng, nhưng cần lưu ý là sự tàn phá của thiên nhiên không chờ được ai, nhất là trong mùa mưa bão thì tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương thống nhất phương án kỹ thuật, đầu tư kinh phí để xử lý triệt để sự cố sụt lún kè Thanh Am.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục sự cố sụt lún tại kè Thanh Am (Long Biên): Chờ đến bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.