Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục bất cập trong bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở

Mai Hữu| 06/05/2022 09:50

(HNMO) - Để khắc phục những bất cập trong thực tiễn hoạt động cũng như nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách cần được quy định cụ thể về pháp lý để thực sự trở thành “cánh tay nối dài” hỗ trợ lực lượng công an chính quy bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

Bảo vệ dân phố phối hợp với Công an quận Ba Đình tuyên truyền về an ninh, trật tự đến người dân.

Còn nhiều bất cập

Thực tế cho thấy, pháp luật hiện hành quy định vị trí, chức năng của lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách là những lực lượng thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, Luật Công an nhân dân năm 2018 được ban hành đã quy định đồng bộ, thống nhất về 4 cấp công an. Trong đó, công an xã, phường, thị trấn hiện nay đã được tổ chức, bố trí toàn diện, đồng bộ, thống nhất. Do đó, về vị trí, chức năng của các lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách phải được xác định, điều chỉnh lại cho phù hợp, bảo đảm không chồng chéo với vị trí, chức năng của lực lượng công an xã, phường, thị trấn.

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, trước đây, khi đảm nhận toàn bộ trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, chế độ, chính sách cho lực lượng công an xã bán chuyên trách thấp; trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác còn thiếu… Sau khi thành phố hoàn thành bố trí công an chính quy về xã, lực lượng bán chuyên trách cũng nảy sinh nhiều tâm tư khiến cho số lượng công an viên hoạt động giảm sút đáng kể.

Đối với lực lượng bảo vệ dân phố, vấn đề bất cập dễ nhận thấy là tuổi đời bình quân của lực lượng này rất cao. Có tình trạng này là do chế độ, chính sách chưa hợp lý, phụ cấp hỗ trợ thấp nên các ban bảo vệ dân phố khó tuyển được thành viên trẻ. Đồng thời, điều kiện vật chất phục vụ công tác của lực lượng bảo vệ dân phố cũng còn nhiều hạn chế.

Phân tích về vấn đề này, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, nếu không có chế độ, chính sách tốt, sẽ khó duy trì được các lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở như công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố. Bên cạnh đó, nếu an ninh trật tự ở cơ sở không được bảo đảm thì sẽ tác động tiêu cực, khiến tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật nảy sinh.

Thực tế cũng cho thấy, chỉ cần có “bóng dáng” người mặc sắc phục bảo vệ an ninh trật tự thì tội phạm cũng không dám lộng hành. Nếu lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được đào tạo chính quy, có nghiệp vụ, kỹ năng tốt thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều, từ đó cũng sẽ tránh được bất cập vì nể nang mà không xử lý nghiêm sai phạm.

Công an xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính.

Tạo cơ sở pháp lý

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, thực tiễn đã khẳng định, những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự đều xuất phát từ địa bàn cơ sở, ban đầu là những vấn đề mâu thuẫn xã hội, nếu không được phát hiện, phòng ngừa, quản lý, giải quyết kịp thời, triệt để, sẽ tích tụ, phát triển thành “xung đột xã hội”, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự, cuộc sống của người dân và an ninh con người, đe dọa sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

“Vì vậy, việc nghiên cứu, xác lập đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự tại địa bàn đặc biệt quan trọng này là rất cần thiết”, Trung tướng Lê Quốc Hùng nói.

Từ thực tế đó, Bộ Công an đã xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự thảo luật quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đội ngũ này được bố trí thành tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã.

Số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng chức danh tổ trưởng, tổ phó, tổ viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự do HĐND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và khả năng bảo đảm ngân sách của từng địa phương.

Dự thảo luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng hỗ trợ hằng tháng; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được trang bị công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận để thực hiện nhiệm vụ…

Về cơ sở chính trị, pháp lý, dự thảo luật đã thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành và đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho rằng việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức như vậy không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà tiếp tục sử dụng lực lượng hiện có, không làm tăng chi ngân sách, tinh gọn đầu mối; bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục bất cập trong bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.