(HNM) - Ngoài việc thuyết phục hai bên đối lập tại Syria đi vào chung một cửa và ngồi cùng một bàn đàm phán, thay vì từ hai lối khác nhau và ngồi ở hai phòng riêng rẽ như trong vòng đàm phán đầu tiên hồi tháng trước, vòng đàm phán thứ hai của Hội nghị Geneva II đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ tiến triển nào.
Không bắt tay, không trao đổi và cũng không nói với nhau một lời, Liên minh Dân tộc Syria (SNC) - đại diện cho phe đối lập Syria và đoàn đàm phán đại diện cho chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad ngồi cùng một chiếc bàn đơn giản chỉ giúp trung gian hòa giải Lakhdar Brahimi khỏi phải tất bật chạy từ phòng này sang phòng kia như lần trước. Nhưng như một "thông dịch viên" mẫn cán, nhà ngoại giao kỳ cựu này vẫn kiên nhẫn đối thoại với từng bên để chuyển thông điệp cho phía kia. Cảnh tượng khá "buồn cười" ở Geneva đã gần như cho thấy kết cục của nó ngay từ khi mới bắt đầu. Hai bên ngoảnh mặt ra về và để lại ông Lakhdar Brahimi với lời xin lỗi người dân Syria, những người đang từng giờ từng phút mong đợi những thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến tang thương và chuỗi thảm cảnh của họ.
Hội nghị Geneva II chưa mang lại hòa bình cho người dân Syria. |
Thế nhưng, tất cả các bên liên quan trong hòa đàm, ngay cả nhà trung gian Lakhdar Brahimi lẫn cộng đồng quốc tế đều không trông đợi gì việc vòng đàm phán thứ hai này sẽ có được một kết quả đáng khích lệ. Từ cách ứng xử không giống những người thực sự mong muốn hòa giải đến mục đích khi tới Geneva, có hàng tá lý do để hội nghị được "lên dây cót" gần cả năm trời thất bại dù đã vài lần trì hoãn. Trong khi hành trang của phe đối lập là bản tài liệu gồm 22 điểm với nội dung chủ yếu là để chuẩn bị thành lập một chính phủ chuyển tiếp mà không có vai trò nào của Tổng thống đương nhiệm Bashar Al-Assad. Đổi lại, đại diện Chính phủ Syria chỉ muốn thảo luận về vấn đề chống khủng bố - một chủ đề luôn nhạy cảm với phe nổi dậy - trước khi đối thoại về một thời kỳ quá độ chính trị. Hai mục tiêu hoàn toàn trái ngược, nếu không muốn nói rằng, về thực chất chỉ để chấm dứt sự tồn tại của nhau, tất nhiên sẽ chẳng thể dẫn đến một sự thống nhất nào. Sự khác biệt lớn đến mức, không có một điểm chung gì giữa hai đối tác chính mang lại cảm giác rằng, việc họ có mặt tại Geneva gần giống như để "đánh trống, ghi tên" chứ không phải xuất phát từ thiện chí chân thành, nhằm tìm ra giải pháp cho sự chung sống hòa bình.
Không mấy khó khăn để tìm ra lời giải đáp cho thực tế xem chừng khá vô lý này khi mục tiêu tối thượng của tất cả các bên tham gia đàm phán là tìm mọi cách bảo vệ lợi ích của mình. Cho dù là cuộc đối đầu trực diện giữa phe đối lập và quân chính phủ, song cuộc nội chiến đã biến đất nước xinh đẹp này thành tro tàn sẽ khó mà giằng dai đến thế nếu không có sự "góp sức" của những lực lượng bên ngoài. Từ chỗ được xem là sự thức tỉnh Hồi giáo như hệ quả của cơn địa chấn "Mùa xuân Arab" hơn 3 năm trước đây, Syria dần chuyển thành một chiến địa chứng kiến cuộc đấu trí và đấu lực của phương Tây do Mỹ đứng đầu với Nga, đồng minh truyền thống của Damascus. Với mong muốn lấy được vùng đất có vị trí địa chiến lược này khỏi tay Mátxcơva, phương Tây đã đặt niềm tin vào lực lượng đối lập thông qua viện trợ về vũ khí, tiền bạc và chính trị. Cùng với đó, Nga quyết không để mất thành trì cuối cùng tại Trung Đông nên trước sau như một cung cấp mọi sự ủng hộ cho chính quyền của người bạn thâm niên Al-Assad. Cho dù, sáng kiến đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình có thể đã tạm khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin dẫn trước một bàn nhưng về bản chất, phương Tây và chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn chưa từ bỏ đích đến cuối cùng là xóa tên ông Bashar Al-Assad khỏi chính trường. Do đó, sự "đồng sàng dị mộng" của hai phe tại Geneva thực ra cũng phản ánh rõ ràng những mâu thuẫn chưa hóa giải được về lợi ích đại cục giữa Mỹ và Nga.
Như vậy để thấy rằng, hai vòng đàm phán vừa qua ở Thụy Sĩ mới chỉ là những bước khởi động để các bên liên quan "ném đá dò đường" nhằm đo lường sự cứng rắn của nhau. Vì thế, sẽ còn cần rất nhiều thời gian để những thực thể tham gia cuộc chơi căng thẳng này tìm được điểm đến cuối. Song, hy vọng rằng con số đau thương với hơn 140.000 người Syria thiệt mạng và hàng triệu người phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn phải tha hương sẽ là động lực để các cuộc thương lượng đi vào thực chất, sớm mang lại hòa bình cho dân tộc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.