(HNMO) - Thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được công bố trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)
đã không còn dựa theo mức khuyến cáo của WHO và ATSDR - Mỹ với mức vượt từ 10 đến 30 lần.
Kết quả quan trắc chỉ phản ánh hiện trạng môi trường sau 2 - 5 ngày xảy ra vụ cháy
Trước đó, trong tài liệu thông tin tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều 4-9, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân có nêu các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân (Hg) trong môi trường không khí cao vượt mức khuyến cáo của WHO và ATSDR – Mỹ từ 10-30 lần, là ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người.
Thông tin này sau khi được các cơ quan báo chí đăng tải đã gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người dân, đặc biệt là những người sống quanh khu vực Công ty Rạng Đông.
Tuy nhiên, ngày 6-9, thông tin đăng tải trên website của Bộ về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy, Bộ TN&MT đã không còn cảnh báo nêu trên.
Theo đó, kết quả quan trắc thông số Hg trong không khí, nước mặt, nước thải, đất và chất thải rắn (tro xỉ sau khi cháy) từ ngày 30-8 đến 1-9 như sau:
Có 1/12 mẫu nước mặt hàm lượng Hg vượt QCVN 08-MT:2015 về chất lượng nước mặt là 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch (cách cống xả gom nước thải của Công ty tại ngõ 320 Khương Đình 1,5km). So sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho kết quả tương tự vượt 1,3 lần đối với hàm lượng Hg có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các điểm quan trắc còn lại, hàm lượng Hg trong nước mặt đạt giá trị theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nêu trên.
Giá trị Hg trong đất đo được tại các điểm quan trắc dao động từ 0,12-0,65 mg/kg, trong đó giá trị cao nhất được ghi nhận tại vườn hoa trong khuôn viên của Công ty. Tham khảo tiêu chuẩn của Canada, nồng độ Hg quan trắc được trong môi trường đất đều không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Có 1 mẫu không khí tại điểm quan trắc trong nhà kho đã bị cháy, sập mái, thông với môi trường không khí bên ngoài (được xem là môi trường không khí xung quanh) có giá trị Hg vượt QCVN 06:2009/BTNMT về một số chất độc hại trong không khí xung quanh là 1,02 lần (giá trị đo trung bình 24 giờ). So sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và tiêu chuẩn của Cơ quan đặc trách về các chất độc hại và theo dõi bệnh tật của Mỹ (ATSDR) cũng cho kết quả hàm lượng Hg tại vị trí nêu trên vượt 1,532 lần ngưỡng rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người (WHO ước tính nồng độ được phép khi tiếp xúc qua đường hô hấp với kim loại Hg trong không khí trong thời gian dài là 0,2 µg/m3; ngưỡng rủi ro tối thiếu ATSDR là 0,2 µg/m3).
Các mẫu không khí còn lại tại các vị trí: Trước cửa trạm oxy bên trong Công ty, phía bên ngoài tường khu nhà kho bị cháy cạnh khu dân cư 342 Khương Đình, cách Công ty 200 m, 500 m và 1.000 m có dư lượng Hg trong không khí bảo đảm chất lượng môi trường không khí xung quanh theo QCVN 06:2009/BTNMT và tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO, ATSDR.
Tại thời điểm cháy, lượng Hg và các chất khí độc hại đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh; theo dữ liệu khí tượng thủy văn và mô hình lan truyền ô nhiễm, ước tính phạm vi phát tán tối đa của khói thải khoảng 1,5 km, phạm vi ô nhiễm khoảng 200 m tính từ tường rào của Công ty và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500 m. Tuy nhiên, Bộ TN&MT khẳng định, các kết quả quan trắc nêu trên chỉ phản ánh hiện trạng môi trường sau 2 - 5 ngày xảy ra sự cố cháy nổ.
Không thể so sánh trực tiếp với các tiêu chuẩn của WHO
Như HNMO đã đưa tin, nêu quan điểm về các thông số được Bộ TN&MT đưa ra, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - TS Kidong Park cho rằng, với mức độ thủy ngân trong các mẫu môi trường được thu thập từ vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, hiện không thể so sánh trực tiếp với các tiêu chuẩn của WHO - tiêu chuẩn an toàn về không khí của WHO chỉ đưa ra mức độ trung bình năm, trong khi con số mà Bộ TN&MT đưa ra lại xét đến ở một thời điểm nhất định. Mức tiêu chuẩn an toàn về nước của WHO là đối với nước uống, còn mức độ ô nhiễm thủy ngân trong nguồn nước ở vụ cháy lại không phải là nước uống.
"Xét trên khía cạnh khoa học, trong quá trình WHO phát triển các tiêu chuẩn về an toàn và căn cứ trên những thông số quan trắc của Bộ TN&MT, hiện đều trong ngưỡng an toàn nên các bạn không cần phải quá lo lắng về tác động của thủy ngân đối với sức khỏe con người", Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định.
Cũng theo nguồn tin từ đại diện WHO tại Việt Nam, hướng dẫn của WHO về vấn đề ô nhiễm không khí do khí độc, bao gồm cả thủy ngân, đã được Văn phòng WHO tại châu Âu thực hiện từ năm 2000.
Theo hướng dẫn này, mức ảnh hưởng bất lợi thấp nhất quan sát được (LOAEL) của thủy ngân trong không khí, tức mức thấp nhất mà thủy ngân có thể gây ra những khác biệt đáng kể về mặt sinh học là từ 15 - 30 microgram/m3 trong 1 năm. WHO cũng đã xem xét đến một loạt yếu tố có thể ảnh hưởng ở nhóm người có nguy cơ cao và nhận định mức 1 microgram/m3 trong 1 năm là mức ô nhiễm trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, mức này chưa tính đến cho nhóm người trong cơ thể thiếu loại enzym có thể bảo vệ tế bào trước các tổn thương từ thủy ngân. Một nghiên cứu được thực hiện ở Thụy Sĩ và Thụy Điển cho thấy, tỷ lệ của nhóm người này là khoảng 30 - 40 người/1 triệu dân thiếu loại enzym này.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mức giới hạn trần của nồng độ thủy ngân trong nước uống nên ở mức 1 microgram/l. Ngoài ra, WHO hiện chưa có mức tiêu chuẩn đối với nồng độ thủy ngân nhiễm trong đất.
Theo TS Kidong Park: Về những mối nguy hại đối với sức khỏe sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, theo chúng tôi cần thêm thời gian để theo dõi. Do số liệu thu thập được tại Việt Nam mới tiến hành trong khoảng thời gian ngắn, hiện khó so sánh với mức khuyến cáo trung hình hằng năm của WHO.
“Tuy nhiên, tôi tin rằng tại Việt Nam, các chuyên gia chống độc tại Bệnh viện Bạch Mai hoàn toàn có đủ năng lực để xử lý các vấn đề liên quan đến nhiễm độc. Tại Nam Phi cũng vừa xảy ra một vụ cháy nhà kho tương tự và chúng tôi cũng đang theo dõi và quan sát. Chúng tôi cũng sẽ đồng hành với các cơ quan y tế của Việt Nam và hỗ trợ các bạn xử lý các vấn đề cần thiết nếu có", Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.