Sau hơn 4 năm thực hiện, cuộc vận động (CVĐ)
Hàng Việt đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước. Ảnh: Đàm Duy |
Theo Ban Chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội, CVĐ đã phát huy những hiệu quả đáng khích lệ, lượng hàng hóa Việt Nam sản xuất có chất lượng ngày càng nhiều. Số lượng NTD ưa chuộng hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn. Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, góp phần đưa hàng Việt đến NTD và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của NTD. Các chuyến đưa hàng Việt về chợ truyền thống, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được triển khai sâu rộng. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) đã tích cực hưởng ứng CVĐ, chủ động đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học vào quản lý nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự phong phú đa dạng về mẫu mã cho sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất để giảm giá thành, chú trọng quảng bá sản phẩm… Hiện, hơn 80% sản phẩm bán ở các siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm thương mại… trên địa bàn Hà Nội là hàng Việt Nam với nhiều chủng loại, mẫu mã ngày càng phong phú, bảo đảm chất lượng. Đáng chú ý, hơn 90% sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh là hàng Việt Nam… Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước được triển khai hiệu quả. Nhiều chính sách đã được thành phố chỉ đạo quyết liệt, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Thành phố cũng hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của ngân hàng và triển khai giải pháp nới lỏng cơ chế hỗ trợ lãi sau đầu tư. Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được NTD yêu thích" thu hút được sự quan tâm của DN, giúp NTD có thông tin và sự lựa chọn đúng đắn. Việc tuyên truyền hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt… của Ban Chỉ đạo đã tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện CVĐ trên địa bàn. Báo cáo của các ngành chức năng cho thấy, hầu hết NTD đã chọn hàng Việt vì xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, giá hợp lý. Qua đó, nếp văn hóa dùng hàng Việt của người dân Thủ đô đã, đang được hình thành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đó vẫn còn những tồn tại mà các cấp, ngành cần khắc phục, như một số tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác chỉ đạo thực hiện CVĐ. Sự vào cuộc của các địa phương cấp huyện, xã chưa quyết liệt; kinh phí thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi còn hạn hẹp; công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, chất lượng, giá sản phẩm chưa được chú trọng. Ngoài ra, vẫn còn những hạn chế liên quan đến khâu bán hàng của DN, một số sản phẩm có nguyên liệu "đầu vào" phải nhập khẩu nên giá thành sản phẩm cao, trong khi đó tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu giá rẻ chưa được ngăn chặn hiệu quả, gây khó khăn cho các DN sản xuất, kinh doanh trong nước…
Với hơn 90 triệu dân, nước ta là một thị trường đáng mơ ước của nhiều DN. Tuy nhiên, NTD đang lo ngại với những mặt hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, chất lượng thấp, giá rẻ. Để hàng giả không có chỗ đứng, các sản phẩm Việt cần đáp ứng được những tiêu chí như chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe thì NTD sẽ tự tìm đến. DN cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để tận dụng sức mạnh nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Năm nay, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hàng Việt, nhằm đánh thức tính tự tôn, tự hào dân tộc trong mỗi khách hàng khi quyết định lựa chọn sản phẩm tiêu dùng với nhiều hình thức đổi mới… Mặt khác, các cấp, các ngành cần phối hợp đồng bộ với Sở Công thương và các DN, kết hợp tuyên truyền, quảng bá sản phẩm với tổ chức các phiên chợ hàng Việt, đưa hàng hóa đến với NTD, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất… Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các ngành liên quan chú trọng khâu quản lý, kiểm soát hàng hóa, tích cực chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái… bảo đảm đưa hàng có chất lượng đến NTD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.