Quy hoạch

Kết nối từ dòng sông Mẹ

GS.TS Phạm Hồng Tung 03/02/2024 16:37

Nói theo cách của Giáo sư Trần Quốc Vượng thì Hà Nội từ xưa tới nay vẫn luôn là “thành phố sông hồ”. Đó là điều hoàn toàn chính xác, được chứng nghiệm qua suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này.

Về phương diện địa chất học - lịch sử thì quả thật Hà Nội và toàn bộ châu thổ Bắc Bộ là tặng vật của sông Hồng và hệ thống sông ngòi Bắc Bộ, là kết quả tương tác bền bỉ cả triệu năm giữa vùng núi đồi và biển khơi, trong đó những con sông vừa là mạch nguồn bồi tụ, vừa là hệ điều tiết tự nhiên quá trình kiến tạo đó.

5-1650389596369.jpg
Hà Nội là một thành phố sầm uất ven sông giống nhiều đô thị lớn khác trên thế giới. Ảnh: Hữu Nghị

1. Năm Canh Tuất (1010), Hoàng đế Lý Thái Tổ đã ban chiếu, nói rõ chủ ý dời đô từ Hoa Lư ra Đại La là vì ngôi thành này “Ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước”. Định vị phong thủy, đặc biệt là thế núi hình sông đã đóng một vai trò quan yếu để Lý Thái Tổ quyết định chọn Đại La.

Từ đó về sau, toàn bộ đời sống của kinh thành đều gắn bó mật thiết với từng nhịp thở của sông Hồng cũng như các con sông bao bọc quanh kinh thành và vùng phụ cận. Hay nói rộng ra, cả sự buồn vui, hưng vong của xã tắc cũng gắn liền với các con sông đó, từ sông Hồng, sông Tô Lịch ở kinh thành cho tới xa hơn là các sông Như Nguyệt, Cà Lồ ở phía Bắc, sông Lục Đầu, Bạch Đằng ở phía Đông và các sông Châu, Hoàng Long, sông Đáy ở phía Nam.

Các dòng sông đó trước hết là nguồn nước ngọt, là nguồn phù sa nuôi dưỡng mùa màng, đồng thời cũng là nhân tố thách thức dữ dội cuộc sống của con người cũng như toàn bộ hệ sinh thái vùng trung châu Bắc Bộ, trong đó có kinh thành Thăng Long.

Trong suốt hàng nghìn năm, sông Hồng và các dòng sông khác còn bao bọc che chở cho kinh thành Thăng Long và cho cả nước trước thảm họa ngoại xâm và nội phản. Có thể kể tới những trận đánh và những võ công hiển hách trên dòng sông Như Nguyệt, trên các bến Đông Bộ Đầu, Hàm Tử Quan, Chương Dương Độ, Lục Đầu Giang và nhất là trên dòng Bạch Đằng Giang hùng vĩ.

2. Riêng ở kinh thành, các cửa ô cũng đều là cửa nước, các lớp thành ngoài cũng như những con đê, vừa đảm bảo an ninh cho kinh thành vừa phòng chống lũ lụt. Bên ngoài Hoàng thành là khu phố thị, là vùng đệm đầy sôi động, là không gian mở, tiếp nối và kết nối giao thương giữa kinh thành với các địa phương mọi miền và cả những xứ sở xa xôi.

Bởi vì thế mà các dòng sông luôn là dòng chảy văn hóa - xã hội bền bỉ. Và đây là cảnh tượng của dòng sông Cái và bến Kẻ Chợ hồi thế kỷ XVIII hiện lên trong những ghi chép của Christian Labarthe, một thương lái phương Tây: “Dọc theo các bến sông, hàng trăm tàu thuyền đi tới, chất đầy rau, gạo, lợn gà. Những bè, mảng chở gỗ, tre, lá gồi dỡ hàng dọc bờ sông và chất đầy vật liệu ở phố Hàng Tre, dài gần 1km. Nhiều bè, mảng và các con đò đã chở từ những nơi cách hàng 20 - 30 dặm”. Và: “Chính trên dòng sông là nơi diễn ra một cuộc đấu tranh sinh tồn to lớn, một cuộc đấu tranh thường xuyên, mọi lúc mọi nơi. Đây đó, những người Annam xuất hiện như những phu phen và những lao động làm thuê, họ không ngớt cất lên những tiếng hò véo von để động viên nhau làm việc, và tiếng hò ầm ĩ đó như thể đã đem lại cho họ một sự hài lòng sâu sắc”.

Cảnh cũ, người xưa ngày một lùi xa vào quá vãng, nhưng giá trị di sản, mạch nguồn văn hóa vun bồi từ ngàn năm nay vẫn hiện hữu với hôm nay và mai sau. Vấn đề là chúng ta sẽ lựa chọn con đường phát triển nào là phù hợp nhất, bền vững nhất, hiệu quả nhất?

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1045-QĐ/UBND ngày 25-3-2022 phê duyệt Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, là một dấu mốc lịch sử mở ra “cơ hội vàng” cho sự phát triển nhanh và bền vững của toàn bộ khu vực hai bên bờ sông đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở nói riêng và của toàn bộ thành phố nói chung. Tiếp đó, trong năm 2023, Thành phố Hà Nội tiếp tục xây dựng chủ trương phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô với bản sắc và công năng đặc thù, gồm Thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và Thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai) dựa trên ba trục phát triển chính, bao gồm trục sông Hồng, trục Hồ Tây - Ba Vì và trục Nhật Tân - Nội Bài. Từ đây, Thành phố tập trung cao độ để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Những động thái nói trên của Thành phố Hà Nội nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cán bộ và nhân dân Thủ đô, nhất là sự quan tâm sâu sắc, có trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực trong cả nước. Trong đó, các ý kiến đều hướng tới sự đồng thuận cao, trục sông Hồng sẽ là trục hoàng đạo, trục phát triển chính của Hà Nội lên tầm cao mới, từ thành phố “cơ bản một bên sông” thành đô thị hai bên sông - một thành phố đổi mới sáng tạo, một đô thị toàn cầu.

3. Năm 2023, trang 2thinknow của Hiệp hội Thành phố thế giới đã công bố bảng xếp hạng các “đô thị thế giới” (world cities) dựa trên hệ thống định vị gồm 162 nhóm tiêu chí chính (bao gồm nhóm “cơ sở hạ tầng nhân văn” với 78 tiêu chí, “tài sản văn hóa” với 64 tiêu chí và “mạng lưới thị trường” gồm 20 tiêu chí). Trong đó, Hà Nội đang được xếp ở vị trí 403 trên tổng số 500 thành phố đổi mới sáng tạo trên thế giới được xếp hạng (thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí 374). Rõ ràng là chúng ta đang có rất nhiều việc phải làm, và phải làm nhanh, bài bản, đúng cách và hiệu quả.

Tất cả bắt nguồn từ dòng sông Mẹ và lại trở về với dòng sông Mẹ. Quy hoạch Phân khu sông Hồng chính là điểm xuất phát, là “đột phá khẩu” của Hà Nội trên chặng đường trở thành đô thị đổi mới sáng tạo tầm vóc toàn cầu. Theo quy hoạch đã công bố thì tư duy và tầm nhìn của Phân khu đô thị này trước hết xác định “là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm” được nêu rõ tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này không sai, vì từ hàng nghìn năm nay yêu cầu thoát lũ và chống lũ là mục tiêu quan trọng nhất đối với tất cả mọi quy hoạch phát triển liên quan đến sông Hồng.

Tuy nhiên, có lẽ các giải pháp kiểm soát lũ cũng cần phải được đặt trên nền tảng của một đô thị đổi mới sáng tạo, tức là các giải pháp công trình, giải pháp kiến tạo hạ tầng vật chất cần gắn liền và đồng bộ hóa với các giải pháp kiến tạo hạ tầng đô thị thông minh và đô thị sáng tạo, với hệ thống giao thông đa phương tiện, đa tầng hiện đại. Quy hoạch không gian thoát lũ cũng cần đặt trên nền tảng của quy hoạch không gian đô thị đa chiều, bao gồm cả chiều phẳng ngang và chiều thẳng đứng với các không gian ngầm, không gian thủy và cả tầng không nữa.

Trong suốt cả nghìn năm sông Hồng luôn là dòng sông của sự kết nối giao thương, giao lưu liên vùng và xuyên biên giới. Điều này chắc chắn phải là một điểm trọng yếu cần được quan tâm trong quy hoạch phát triển mới của Thủ đô.

Ở tầm nhìn sát thực hơn, Phân khu đô thị sông Hồng phải gắn bó hữu cơ về công năng với các không gian phát triển khác của Thủ đô, mà trước hết là không gian phố cổ - phố cũ để trở thành một cực tăng trưởng năng động nhất, mạnh mẽ nhất của Hà Nội nhờ phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc. Phân khu đô thị này cũng nên gắn kết chặt chẽ với các khu vực đô thị mới ở phía Bắc, phía Tây của Hà Nội trên nền tảng của đô thị thông minh (smart cities) và đô thị xanh (green cities).

Có thể nói, trên cơ sở trục tài nguyên sông Hồng, yêu cầu kết nối của Hà Nội là tất yếu. Trước hết là kết nối về chính sách, thể hiện trong tư duy quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng đô thị đổi mới sáng tạo. Thứ hai là kết nối cơ sở hạ tầng, từ các hệ thống giao thông truyền thống đến hạ tầng công nghệ cao, hạ tầng banking và chuyển đổi số, mở đường cho quá trình hiện đại hóa vô tận của đô thị một cách bền vững. Thứ ba là kết nối về văn hóa và trí tuệ để văn hóa thẩm thấu vào tất cả các lĩnh vực đời sống đô thị, trở thành nguồn lực phát triển dồi dào cho công nghiệp văn hóa và sáng tạo, góp phần định vị giá trị của Hà Nội trên bản đồ đô thị toàn cầu. Và tiếp theo là kết nối các mô hình sinh kế bền vững, hiệu quả của các nhóm, các cộng đồng dân cư ở các khu vực khác nhau của thành phố.

Chính các cộng đồng dân cư này là chủ nhân đích thực và là chủ thể phát triển của Thủ đô. Sự đồng thuận, sáng tạo, sự gắn bó và chia sẻ của chính người dân trong các lựa chọn sinh kế của mình là động lực để Thủ đô thực sự thăng hoa, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối từ dòng sông Mẹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.