(HNMCT) - Từ chỗ là “giải pháp tình thế” cho những ngày đầu thực hiện giãn cách chống dịch Covid-19, các buổi hòa nhạc trực tuyến giờ đây đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống tinh thần của người dân. Đặc biệt, nhờ sự sáng tạo không ngừng trong cách thực hiện, hòa nhạc trực tuyến còn giúp tạo ra những chương trình có sức kết nối mạnh mẽ.
“Chia sẻ để gần nhau hơn”
Tối 27-6 vừa qua, chương trình “Chia sẻ để gần nhau hơn” do Ban Thanh thiếu niên Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đã mang đến ấn tượng cho công chúng về một chương trình hòa nhạc được thực hiện theo phương thức trực tuyến quốc tế.
Chương trình gồm nhiều đầu cầu, tại nhiều địa điểm trên thế giới như Sydney, Melbourne (Australia), New York (Mỹ), London (Anh), Skopje (Macedonia), Singapore, Tokyo (Nhật Bản)…, giới thiệu đến công chúng các vị khách mời cùng những câu chuyện cảm động xoay quanh công cuộc phòng chống đại dịch trên toàn thế giới. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Minh Tâm, ca sĩ Thu Minh, Tùng Dương, nhạc trưởng Lê Phi Phi, Trần Vương Thạch… Điều đặc biệt là các đầu cầu được kết nối một cách khá đơn giản nhưng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phòng dịch, không giống các đầu cầu truyền hình truyền thống. Đầu cầu đó có thể là nơi ở của ca sĩ Thu Minh tại Singapore, là nhà riêng của nhạc trưởng Lê Phi Phi tại Macedonia…
“Chia sẻ để gần nhau hơn” mang đến 11 màn biểu diễn dưới hình thức giao hưởng. Người xem cảm thấy thú vị khi được thưởng thức những bản nhạc do nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ đạo từ xa, dàn nhạc Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) thể hiện. Đêm nhạc thực sự cho thấy sự kết nối không biên giới nhờ ứng dụng công nghệ.
“Chia sẻ để gần nhau hơn” được tổ chức nhằm kết nối mọi người chung tay ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19. Theo nhạc trưởng Lê Phi Phi, âm nhạc có khả năng nâng đỡ tinh thần con người phi biên giới, phi giới hạn, có thể chạm tới bất cứ ai… Chính vì vậy, khi kết hợp hình thức nghệ thuật này với thông điệp kêu gọi mỗi người ủng hộ Quỹ vắc xin, chương trình đã đạt được hiệu quả to lớn, khiến người xem xúc động. Chương trình đã thu hút được hơn 10 triệu lượt xem trực tiếp và hơn 160.000 lượt truy cập website. Đồng thời, có rất nhiều cá nhân, tổ chức quốc tế, công ty, tập đoàn trong và ngoài nước kết nối với buổi hòa nhạc để đăng ký ủng hộ quỹ.
Ngày càng hoàn thiện
Thay đổi để thích nghi với bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, hòa nhạc trực tuyến trở thành một phương thức hiệu quả để nghệ sĩ vẫn có thể tiếp cận, phục vụ công chúng trong những ngày cách ly xã hội. Những chương trình được thực hiện gần đây còn cho thấy tính hiệu quả cao nhờ kết hợp biểu diễn trực tuyến giữa các nghệ sĩ ở cách xa nhau về địa lý. Đây là giải pháp rất hiệu quả để tạo ra những chương trình có tính quốc tế hay những chương trình quy mô lớn, có màu sắc đa dạng.
Tháng 4-2021, khán giả Hà Nội đã được thưởng thức một vở nhạc kịch kết hợp nghệ thuật thị giác đặc biệt mang tên “Chuyện người lính” do Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace, Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam và Xưởng kịch & nghệ thuật ATH thực hiện, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Thụy Sĩ. Sự đặc biệt nằm ở chỗ đạo diễn của vở đang ở Na Uy nhưng vẫn dàn dựng một vở diễn cho các nghệ sĩ Việt Nam. Về cách thức hợp tác đặc biệt trong vở diễn này, ông Thierry Vergon, Giám đốc L’Espace đánh giá: Đây là dự án khó và phức tạp, chưa bao giờ được thực hiện tương tự ở Việt Nam. Nhờ sự trợ giúp của công nghệ, chúng ta có thể vượt qua những trở ngại do dịch bệnh gây ra.
Cùng với đó, chuỗi sự kiện “Âm nhạc mới” do Viện Goethe Hà Nội tổ chức cũng mang đến những trải nghiệm âm nhạc trực tuyến ngày càng hấp dẫn. Các nghệ sĩ quốc tế cùng biểu diễn với các nghệ sĩ trong nước thông qua các ứng dụng trực tuyến. Theo đánh giá của Viện Goethe, việc tiếp tục các hoạt động âm nhạc như thế này trong điều kiện dịch bệnh góp phần vun đắp các mối quan hệ với những người bạn quốc tế qua mạng trực tuyến, phát triển các hình thức hợp tác mới.
Những sự kiện hợp tác dàn dựng và biểu diễn thông qua mạng Internet thời gian qua đã cho thấy biểu diễn trực tuyến có thể được thực hiện với quy mô, mức độ khác nhau. Đúng như nghệ sĩ Trịnh Tùng Linh, Phó Giám đốc phụ trách Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam chia sẻ: Người nghệ sĩ nào cũng mong muốn được biểu diễn trực tiếp trước khán giả nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, việc ứng dụng công nghệ là đòi hỏi bắt buộc. Các nghệ sĩ Việt Nam đã làm rất tốt để bắt nhịp xu hướng, linh hoạt trong việc tạo ra những chương trình quy mô, đảm bảo về chất lượng để phục vụ công chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.