(HNM) - Hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt vào chuỗi cung ứng AEON nói riêng và thị trường Nhật Bản nói chung là cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực kinh doanh một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Hàng Việt Nam trưng bày tại Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi cung ứng của Tập đoàn AEON” gần đây. Ảnh: Kim Liên |
Đánh giá cao tiềm năng của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, ông Shibata Eiji - Phó Chủ tịch Tập đoàn AEON cho hay, năm 2013, lần đầu tiên Nhật Bản nhập khẩu cá tra Việt Nam với con số khiêm tốn là 5 tấn, nhưng đến năm 2018 đã tăng lên 100 tấn, gấp 20 lần. Cùng với cá tra, nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Nhật Bản thông qua hệ thống AEON như vali khóa kéo, hàng thời trang, thực phẩm… đã tăng mạnh trong thời gian qua.
“Nhật Bản nói chung và Tập đoàn AEON có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm, hàng hóa, nhưng doanh nghiệp Việt Nam cần bảo đảm đáp ứng các tiêu chí. Đơn cử, với thực phẩm, tiêu chí quan trọng nhất là phải bảo đảm phục vụ sức khỏe người tiêu dùng, kinh doanh bền vững và có đạo đức”, ông Shibata Eiji khẳng định.
Chia sẻ một ví dụ cụ thể, ông Shibata Eiji cho biết, ngành Nông nghiệp Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn do việc hữu cơ hóa sản phẩm nông sản không có nhiều tiến triển như mong đợi, nên các sản phẩm thực phẩm đông lạnh tại Nhật Bản chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Australia. Vì vậy, sản phẩm hữu cơ Việt Nam hoàn toàn có thể được cấp đông bằng công nghệ tiên tiến để xuất khẩu sang Nhật Bản thông qua AEON. Hơn nữa, hiện có rất nhiều nhà cung cấp "chạy đua" để đưa hàng lên kệ của hệ thống AEON, nếu hàng hóa Việt Nam làm được điều này đồng nghĩa với việc chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Hà Nội cho biết, AEON là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản. Vì vậy, các sản phẩm được lựa chọn để bày bán trên kệ hàng của AEON phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp mạnh đến từ khắp nơi trên thế giới. Việc đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của AEON nói riêng và các hệ thống phân phối nước ngoài là một quá trình dài, đòi hỏi cung cách làm ăn bài bản từ phía doanh nghiệp. Nhưng bù lại, doanh nghiệp sẽ có một thị trường rộng mở, thường xuyên và nâng cao được uy tín thương hiệu cũng như năng lực cạnh tranh. AEON đang đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàng chuyên dụng thực phẩm, thời trang may mặc và điện máy gia dụng. Đây là các sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung đầu tư để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản, thông qua AEON.
Là công ty chuyên về lĩnh vực thời trang và may mặc, ông Hoàng Văn Linh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Aligro (45, Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, việc đưa sản phẩm Việt vào thị trường Nhật Bản nói chung, Tập đoàn AEON nói riêng đòi hỏi doanh nghiệp cần chuẩn bị và tìm hiểu kỹ về dòng sản phẩm, nguyên liệu, kiểu dáng, thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản, từ đó đáp ứng tốt được yêu cầu của nhà cung ứng. Để sản phẩm có thể được bày bán trong chuỗi siêu thị AEON, ngoài các yêu cầu của thị trường Nhật Bản, thì hàng hóa cần tuân thủ các điều kiện riêng của tập đoàn. Khi đã được chấp nhận, những đơn hàng ban đầu có thể nhỏ, nhưng nếu tập đoàn nhận được những ý kiến phản hồi tốt từ phía khách hàng, họ có thể đến trực tiếp doanh nghiệp tại Việt Nam để đầu tư, hướng dẫn sản xuất và đặt hàng với số lượng lớn.
Mặc dù Nhật Bản là thị trường rộng lớn, nhưng để tiếp cận là không dễ dàng, bởi khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là đáp ứng các tiêu chuẩn về trang thiết bị sản xuất. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận khách hàng Nhật Bản, Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm Việt Nam vào thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống phân phối của AEON. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đòi hỏi doanh nghiệp phải có khả năng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như đáp ứng được yêu cầu mang tính cộng đồng, trách nhiệm xã hội, phải có khả năng cạnh tranh rất lớn với hàng hóa của các quốc gia khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.