Naruto - “chú khỉ nhiều chuyện” mới đây đã bị Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ bác bỏ quyền tác giả đối với bức ảnh do chính mình tự chụp.
Chuyện vào năm 2011, Naruto khi đó 7 tuổi, sống trong khu rừng rậm tại Sulawesi, Indonesia. David John Slater - một nhiếp ảnh gia người Anh đã sống 3 ngày trong khu rừng này.
Một lần, David John Slater đặt máy ảnh trên chân đế và nối với bộ phận bấm chụp từ xa sau đó rời máy ảnh đi ra ngoài. Naruto nhân lúc đó đã ấn bừa vào nút chụp hình. Số hình mà Naturo chụp được lên đến hàng trăm và đa số đều bỏ đi, thế nhưng một số tấm chụp chân dung lại đẹp bất ngờ. Một số ảnh đã được Slater cho xuất bản sách giới thiệu đến cộng đồng, trong đó có bức ảnh do Naruto tự chụp.
Bức ảnh mà Naruto tự chụp mình nhờ máy ảnh của nhiếp ảnh gia Slater. |
Tranh chấp bắt đầu khi Wikimedia Commons cho đăng bức ảnh mà Naruto tự chụp miễn phí trên website. Slater nổi giận bởi theo lời ông, ông kiếm được 2.000 euro cho năm đầu tiên bức ảnh được chụp, và việc đăng tải miễn phí trên Wikimedia Commons đã làm cho ông sụt giảm doanh thu đến 10.000 euro. “Nó đã giết chết việc kinh doanh của tôi”, Slater nói.
Vào năm 2015, Hiệp hội bảo vệ động vật (PETA) đã kiện Slater vì đã xuất bản cuốn sách, trong đó bao gồm tấm ảnh do Naruto chụp, điều này đã vi phạm đến quyền của chú khỉ theo Đạo luật về quyền tác giả. Tuy nhiên, Slater phản biện rằng một con khỉ thì không thể có quyền tác giả.
Trong phán quyết tạm thời tháng 1-2016, thẩm phán William Orrick của Mỹ đã đồng ý với lập luận đó, nói rằng “Quốc hội và Tổng thống có thể mở rộng việc bảo vệ luật cho động vật cũng như con người nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã làm như vậy trong Đạo luật về quyền tác giả”. PETA đã kháng nghị quyết định này.
Đã có rất nhiều tranh cãi đưa ra xung quanh việc tác giả của bức ảnh đó là chú khỉ Naruto hay ông Slater. Theo Luật về quyền tác giả của Hoa Kỳ, một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả khi tác phẩm phải được định hình (trên một phương tiện hữu hình) và có tính nguyên gốc (tác phẩm do chính tác giả sáng tạo ra mà không sao chép).
Theo luật, sự sáng tạo chỉ thuộc về con người, do con người thực hiện, tác giả không thuộc về thiên nhiên, không phải do tự nhiên tạo ra. Tác phẩm do con khỉ (một thực thể tự nhiên không phải con người) bấm nút dù có tính nghệ thuật cũng không được bảo hộ quyền tác giả cho chính nó.
Như vậy, bức ảnh này không được bảo hộ quyền tác giả cho Naruto. Tuy nhiên, theo lời của ông Slater, ông đã bỏ công sức, chi phí, tìm vị trí đặt máy thuận lợi nhất và chú khỉ này chỉ việc bấm nút chụp ảnh, sẽ công bằng hơn nếu ông được công nhận là đồng tác giả của bức ảnh.
Thực tế trong ngành nhiếp ảnh nói riêng cũng như các ngành nghệ thuật khác nói chung, để tạo ra một tác phẩm cần có sự kết hợp của nhiều người từ việc dàn dựng khung cảnh, đặt máy hay chụp ảnh và những người này được coi là đồng tác giả. Nếu như ông Slater chứng mình được ông để cho chú khỉ chụp ảnh và công đoạn đó chỉ là một phần trong quá trình sáng tạo của tác phẩm thì Tòa án khó có thể từ chối quyền đồng tác giả của ông.
Ngày 23-4-2018, Tòa phúc thẩm Mỹ đã bác bỏ kháng nghị của PETA. Tòa án đưa ra kết luận: “Chú khỉ có cơ sở Hiến pháp nhưng lại thiếu tư cách pháp lý để khiếu nại việc vi phạm bản quyền của các bức ảnh”.
Quyết định của Tòa án được đưa ra sau khi PETA và Slater đạt được một thỏa thuận vào năm ngoái. Trong đó, Slater đồng ý quyên góp 25% của doanh thu bất kỳ từ việc sử dụng và bán những bức ảnh do chú khỉ tự chụp cho tổ chức từ thiện bảo vệ cho môi trường sống của khỉ ở Indonesia. PETA và David Slater đồng ý rằng trường hợp này nêu lên những vấn đề quan trọng và tiên quyết về việc mở rộng quyền pháp lý cho những động vật (không phải là con người), một mục tiêu mà cả hai đều ủng hộ và sẽ tiếp tục công việc của mình để đạt được điều này.
Các tranh chấp giữa PETA (đại diện cho Naruto) và David John Slater theo đó cũng khép lại. Và phán quyết của Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ sẽ là tiền lệ được áp dụng cho những vụ việc tương tự phát sinh trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.