Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Vừa hồi sinh đã tái ô nhiễm

Hà Phạm| 01/08/2014 06:48

(HNM) - Việc hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NLTN) (đi qua các quận trung tâm 1, 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình và Gò Vấp) từng là niềm tự hào của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, hiện kênh NLTN đã bốc mùi hôi thối trở lại…


Nước bốc mùi, cá chết

Hiện nay, mỗi khi mực nước kênh NLTN lên xuống do triều cường hay sau mỗi cơn mưa thì một số đoạn kênh trên địa bàn quận 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh lại bốc mùi hôi rất khó chịu. Chị Phạm Thị Hoa (ngụ đường Lê Văn Sỹ, quận 3) cho biết, gần đây nguồn nước tự dưng bốc mùi hôi, thậm chí cá chết
nổi lềnh bềnh mà trước đó không hề có.

Tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vừa được cải tạo đã ô nhiễm trở lại.



Trao đổi với PV Báo Hànộimới, GS.TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho hay: Môi trường nước trên các tuyến kênh, rạch địa bàn thành phố, trong đó đáng chú ý là kênh NLTN lại đang ô nhiễm trở lại. Kết quả quan trắc cho thấy, phần lớn tuyến kênh này có nồng độ BOD5 (lượng oxy sinh hóa) đạt ngưỡng 3.200 đến 3.500 mmg/lít nước, vượt khoảng 10 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Trong khi đó lượng COD (oxy hóa học để xử lý và tiêu hủy chất hữu cơ) dao động từ 4.000 đến 4.500 mmg/lít nước, vượt 4 đến 5 lần mức quy định. Ngược lại, lượng DO (oxy hòa tan) xuống mức 0 mmg/lít nước - mức khiến cho cá không thể sống nổi do thiếu oxy.

Theo phân tích của TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), việc kênh NLTN bốc mùi hôi thối do hai nguyên nhân cơ bản: Thứ nhất, TP Hồ Chí Minh đang trong cao điểm của mùa mưa, cộng với mực nước triều, nước sông Sài Gòn sẽ dâng cao hơn mực nước trong kênh. Nếu không đóng cửa xả chính ra sông Sài Gòn thì các quận trung tâm thành phố sẽ bị ngập. Do đó, cơ quan chức năng thành phố đành chấp nhận đánh đổi ngập với tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Cụ thể, thay vì mở cửa xả thường xuyên (trong mùa khô) để nước sông Sài Gòn vào rửa nguồn nước trong kênh thì bây giờ phải bịt lại nên nguồn nước dù được xử lý qua Nhà máy Thị Nghè (quận Bình Thạnh) vẫn bốc mùi thối. Căn nguyên thứ hai, theo TS Hồ Long Phi, hiện nay, nguồn nước sinh hoạt của nhà dân đều được thu vào các tuyến cống hộp để chuyển về nhà máy xử lý nước thải Thị Nghè chứ không chảy trực tiếp vào kênh. Thế nhưng, trong mùa mưa, khi mực nước kênh dâng lên thì sẽ tràn vào các tuyến cống này, làm cho nguồn nước thải trên bị rò rỉ vào kênh, khiến cho nước kênh bị ô nhiễm và bốc mùi. Thậm chí, nguồn nước trong mùa này chuyển thành màu đen rồi khiến cá chết là điều đương nhiên. "Đoạn kênh ảnh hưởng nặng nề nhất là tại các tuyến đường Lê Văn Sỹ, Hoàng Sa, Trường Sa… (khu vực quận 3 và Tân Bình) do ở cuối nguồn, nước bị ứ lại", TS Hồ Long Phi nói.

"Tắc" vốn

Trước vấn đề trên, ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) cho biết, hệ thống nước hiện nay trên kênh NLTN mới chỉ đạt loại B theo tiêu chuẩn quy định vì nhà máy xử lý nước thải Thị Nghè mới chỉ thu gom rác và xử lý thô để đổ ra sông Sài Gòn. Nếu nguồn nước đạt tiêu chuẩn loại A thì phải chờ xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại quận 2 để xử lý triệt để nguồn nước từ 7 quận trung tâm.

Theo ông Thuận, sở dĩ hiện nhà máy vẫn chưa được xây dựng do "tắc" vốn. Cụ thể, chính quyền thành phố vẫn đang chuẩn bị hồ sơ pháp lý đầy đủ và dự kiến cuối năm 2014 mới đàm phán vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) để tiến hành xây dựng nhà máy. "Chừng nào nhà máy hoàn thành thì ô nhiễm nguồn nước mới được xử lý triệt để, còn bây giờ chúng ta phải chấp nhận xử lý bằng biện pháp tạm thời", ông Thuận cho hay.

Được biết, trước đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu cho Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường phải hoàn thành mọi công tác liên quan trong tháng 6 để đàm phán với WB, nhằm bảo đảm đúng tiến độ kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án vẫn nằm trên giấy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Vừa hồi sinh đã tái ô nhiễm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.