(HNM) - Ngày cuối tuần, mới 10 giờ sáng mà sân golf Sóc Sơn đã đông. Khách đến bằng những chiếc xe hơi đắt tiền, thong thả tản bộ hoặc ngồi nhâm nhi lon bia trước khi ra sân. Trong lúc đó, những "Ke-đi" (Caddy - người phục vụ) tất tả chuẩn bị các loại gậy, đồ dùng để phục vụ người chơi.
Các “ke-đi” tại sân golf Chí Linh (Hải Dương). |
Những năm gần đây, phong trào chơi golf ngày càng phát triển ở nhiều địa phương. Đánh golf là môn thể thao xa xỉ, lúc đầu chỉ dành cho người nước ngoài sang Việt Nam làm việc với mức phí lên đến cả trăm nghìn USD/thẻ hội viên. Người ta nói, tính chung cả tiền mua thẻ hội viên và chi phí khác thì trung bình mỗi lần ra sân, người chơi golf phải tốn tiền triệu.
Môn thể thao "quý tộc" ấy không thể thiếu các ke-đi. Trang bị chiếc nón rộng vành và túi cát bao gồm áo che mưa cho túi gậy, gạt tàn, chai nước và một ngăn đựng cát… nhiệm vụ của các ke-đi là chuyên kéo gậy phục vụ khách chơi golf, hướng dẫn tầm bóng, thông báo điểm lồi lõm, hồ nước… cho người chơi. Một ke-đi chuyên nghiệp phải thuộc luật chơi, phải biết chơi để hướng dẫn kỹ thuật cho những người mới chơi, lấy cho khách đúng loại gậy phù hợp với những tầm bóng ngắn, dài khác nhau. Các ke-đi còn phải biết đôi chút tiếng Anh đủ để giao tiếp với khách nước ngoài.
Một ke-đi từng nhiều năm làm việc tại sân golf Sóc Sơn cho biết, phục vụ khách chơi golf vô cùng vất vả. Khách đều là những người nhiều tiền, nhiều thời gian. Họ lên sân chủ yếu để thư giãn bằng cách đi bộ với mỗi vòng đi bóng chừng 12km và mất 4 giờ đồng hồ cho một vòng như thế. Trong khi khách thư thả với các lỗ golf thì ke-đi phải kéo theo một bao gậy, đồ dùng cá nhân, nước uống để phục vụ khách chơi. Ngày mát trời còn đỡ, chứ vào những ngày nắng thì nhiều ke-đi say nắng, có khi ngất xỉu sau mỗi vòng phục vụ khách. Vào những ngày nghỉ, ngày lễ, khách đến sân đông, nhiều ke-đi phải đi tới 2 vòng sân, chừng 24-28km đường trong vòng 8-10 giờ đồng hồ, ke-đi hầu như không có thời gian nghỉ giữa 2 vòng sân. Khoảng thời gian ngắn ngủi ấy chỉ đủ cho họ ăn nhanh cái bánh mỳ hoặc lùa vội bát cơm.
Điều ke-đi sợ nhất là phải kéo thêm nước uống, đồ ăn cho khách, trọng lượng túi gậy lúc đó tăng gấp 2-3 lần, có khi lên đến 40kg. Do sân golf được thiết kế trên những dải đất có chỗ nhô lên, thụt xuống nên việc kéo gậy phục vụ khách của các ke-đi càng cực nhọc hơn. Khách chơi golf rảnh lúc nào chơi lúc đó nên ke-đi phải phục vụ bất kể giờ giấc. Đa số khách chơi golf lên sân vào khoảng 10h trưa và đánh đến cuối giờ chiều. Vậy là ke-đi lại đội nắng lên đường cùng khách. Có xe điện chở đồ thì đỡ, chứ khách không dùng xe điện thì việc kéo cái túi nặng hàng chục cân trên quãng đường 12km là cả một cực hình đối với ke-đi. Trong khi đó, theo quy định, ke-đi không được vừa ăn, vừa phục vụ khách, nên với nhiều ke-đi, việc nhịn đói là thường xuyên.
Theo các ke-đi, lương bình quân của họ chỉ chừng 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng. Dù quy định là khi mua thẻ, các hội viên phải có một khoản gọi là chi phí ke-đi (100 USD/tháng), nhưng nhiều chủ sân đã không trả đúng với số tiền đó. Chính vì vậy, thu nhập của các ke-đi hầu hết nhờ vào tiền thưởng của khách chơi. Khách vui vẻ có thể thưởng đến cả trăm USD, nhưng cũng có những khách chỉ thưởng… 50 nghìn đồng. Vì vậy, các ke-đi đều cố gắng làm khách hài lòng, vừa mong được thưởng xứng đáng và cũng là nhằm giữ khách.
Làm nghề phục vụ, các ke-đi phải là người có sức khỏe và sự dẻo dai nhất định. Nhiều ke-đi khi giải nghệ đã phải thốt lên "nghề không có thời gian". Song, bên cạnh những vất vả nghề nghiệp, vất vả mưu sinh, những ke-đi cũng có một niềm vui nho nhỏ, đó là họ được tiếp xúc với nhiều người ở nhiều quốc gia và nhiều nền văn hóa khác nhau. Và cũng có những ke-đi sau khi giải nghệ đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, vốn sống và kiến thức của người chơi cho những công việc sau này của họ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.