Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kẻ cười, người khóc!

Kim Vũ| 25/01/2018 06:30

(HNM) - Không nắm rõ chính sách về việc bồi thường, hỗ trợ mặt bằng khi bị thu hồi đất, hàng trăm hộ dân tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) đang rối bời trong cảnh

Hơn 200 hộ dân "khóc thầm"

Theo bà Vương Thị Tý (số nhà 10, xóm Lẻ, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều), gia đình bà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 680m2 và đến năm 2007 nhận được thông báo thu hồi 629,7m2. Năm 2015, UBND xã Tân Triều đưa hộ bà Tý vào danh sách được bồi thường, hỗ trợ bằng tiền nhưng bà không chấp nhận và đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng, song chưa được giải quyết.

Bà Vương Thị Tý kiểm tra tài liệu về phương án bồi thường, hỗ trợ của gia đình.


Cùng cảnh ngộ với bà Tý, hơn 200 gia đình bị thu hồi đất cuối năm 2013 cũng không được nhận bồi thường, hỗ trợ bằng đất mà bằng tiền. Trong đó nhiều hộ bị thu hồi diện tích rất lớn như: Gia đình ông Nguyễn Gia Kỷ (xóm Lẻ, thôn Triều Khúc) 1.168m2; gia đình ông Triệu Khắc Quân (xóm Lẻ, thôn Triều Khúc) 759m2; gia đình ông Nguyễn Huy Dũng (xóm Đình, thôn Triều Khúc) 680m2...

Bên cạnh đó, theo phản ánh của các hộ gia đình nói trên, cùng bị thu hồi đất trong Dự án Tây Nam Kim Giang 1, nhưng 73 gia đình khác trong xã Tân Triều lại được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm bằng giao đất ở?

Hệ lụy do không nắm được chính sách

Ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều thừa nhận nghịch lý nêu trên là có thật nhưng đều có căn cứ. Theo đó, ngày 26-10-2007, UBND TP Hà Nội ra Quyết định 4272/QĐ-UBND thu hồi 357.910m2 đất tại xã Tân Triều để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Dự án Tây Nam Kim Giang 1. Tuy nhiên, trong quá trình thu hồi đất đã xảy ra sự không đồng bộ, thống nhất. Cụ thể, có 309 hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp, thì có 73 hộ được phê duyệt phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng giao đất ở với 60m2; 236 hộ còn lại được hỗ trợ bằng tiền với mức gấp 5 lần giá đất nông nghiệp.

Theo lý giải của ông Quyền, công tác giải phóng mặt bằng của dự án được thực hiện qua nhiều giai đoạn khác nhau nên chính sách bồi thường, hỗ trợ cũng khác nhau. Cụ thể, sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, các văn bản dưới luật quy định, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp là bằng tiền, với mức gấp 5 lần giá đất nông nghiệp.

Ngày 24-5-2013, Văn phòng UBND TP Hà Nội ra Thông báo 48/TB-VP nêu rõ: "Trường hợp cá nhân bị thu hồi đất có nguyện vọng (bằng đơn) được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách UBND thành phố đã chấp thuận cho dự án (trước ngày 18-1-2013) và UBND cấp huyện phê duyệt phương án theo đúng chính sách đã công bố".

Vì vậy, khi phê duyệt phương án, hộ nào có đơn đề nghị được áp dụng theo chính sách giao đất ở thì UBND huyện phê duyệt giao đất ở, hộ nào không có đơn đề nghị thì phê duyệt theo chính sách hỗ trợ bằng tiền.

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, việc hỗ trợ bằng tiền hay bằng đất ở đã được thông báo công khai trên hệ thống loa truyền thanh xã và dán công khai tại trụ sở UBND xã. Nội dung này cũng được trả lời rõ tại các buổi đối thoại trực tiếp với các hộ dân và trong văn bản trả lời kiến nghị của các hộ (Thông báo 72/TB-UBND của UBND xã Tân Triều ngày 15-8-2013 và Thông báo 52/TB-HĐBTHT&TĐC ngày 3-9-2013). Năm 2016, UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, một số hộ dân không nhận tiền, không bàn giao mặt bằng và có ý kiến đề nghị được hỗ trợ bằng giao đất ở.

Ngày 29-8-2014 và 4-8-2015, UBND huyện đã có văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố và các sở, ngành, cho phép UBND huyện được phê duyệt phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp bằng giao đất ở. Đáp lại, ngày 4-11-2014 và 12-11-2015, UBND thành phố có Văn bản 8542/UBND-TNMT và 8037/UBND-TNMT, không đồng ý với đề xuất của UBND huyện Thanh Trì, yêu cầu thực hiện đúng chính sách quy định tại thời điểm phê duyệt phương án.

Ông Nguyễn Tiến Cường cho biết, ngày 2-11-2017, UBND huyện Thanh Trì có Văn bản 2320/UBND-TTPTQĐ gửi Ban Tiếp công dân TP Hà Nội giải trình sự việc nêu trên. Công văn nêu rõ, UBND huyện đã giao các phòng, ban và UBND xã Tân Triều thông báo đến các hộ dân, đề nghị nhận tiền và bàn giao mặt bằng nhưng các hộ không đồng ý, không chấp hành quyết định thu hồi đất. UBND huyện Thanh Trì tiếp tục đề nghị Ban Tiếp công dân thành phố báo cáo UBND TP Hà Nội cho phép bồi thường, hỗ trợ bằng đất ở.

Thực tế này cho thấy, do không tìm hiểu cặn kẽ các chính sách Nhà nước ban hành về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, để rồi khi sự việc xảy ra, nhiều hộ dân mới tiếc nuối. Song, tại thời điểm chính sách thay đổi, nếu chính quyền sở tại giải thích cặn kẽ hơn cho người dân về quyền lợi thì đã không xảy ra tình trạng như hiện nay. Có lẽ, đây là bài học chung cho rất nhiều địa phương về sự sát dân, gần dân khi thực hiện các dự án trên địa bàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kẻ cười, người khóc!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.