(HNM) -
Không gian triển lãm ở Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ. |
Thế là, chỉ cần đi quanh tuyến phố đi bộ, người xem có thể hiểu được phần nào một nghề cổ truyền của dân tộc, thưởng lãm tác phẩm xưa nay từ sơn mài.
Triển lãm do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức, nằm trong khuôn khổ "Năm tôn vinh nghề truyền thống phố cổ Hà Nội", với sự tham gia của nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam, bộ môn Sơn mài Trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội và các làng nghề sơn mài truyền thống. Theo họa sĩ Vũ Tuấn Dũng, thành viên nhóm họa sĩ Sơn ta, họ không có tham vọng tái hiện đầy đủ lịch sử hàng nghìn năm của nghệ thuật sơn mài ở Việt Nam mà muốn kể một câu chuyện về chất liệu sơn ta đã làm nên nghệ thuật sơn mài độc đáo của nước ta. Bởi nghệ thuật sơn mài có ở nhiều nước trên thế giới, được bảo tồn, phát triển đa dạng, đặc biệt là tại Châu Á. Chính vì thế, mới đây, Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc đã đề nghị Bộ VH,TT&DL Việt Nam cùng xây dựng hồ sơ đa quốc gia trình UNESCO ghi danh nghệ thuật sơn mài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và Bộ đã có văn bản trình Thủ tướng xem xét thực hiện.
"Câu chuyện sơn mài Việt Nam" khác biệt như thế nào với các quốc gia sẽ được kể tại đây, trong hành trình khám phá của mọi người tại 3 địa điểm triển lãm. Ở đình Kim Ngân thì trưng bày chủ yếu là các bức tượng cổ về các vị tướng, thần; tượng các linh vật đặc trưng như nghê, ngựa cùng nhiều đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ đời sống tâm linh người Việt trong suốt lịch sử như ban, đồ thờ, lư hương, hoa; rồi rương, hòm, hộp cổ… Tất cả đều có màu sắc trầm mặc, tĩnh tại, sang trọng, kín đáo thể hiện rõ quan niệm thẩm mỹ của người Việt.
Tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây thì chuyện sơn mài được kể bằng ảnh. Có 20 bức màu và đen trắng ghi lại từng công đoạn sản xuất sơn mài và sản phẩm đặc sắc của thợ sơn mài thuộc xưởng Hanoia tại làng nghề Hạ Thái (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội). Trong đó, các công đoạn khó như cẩn trứng hoặc dát vàng và những kỹ thuật mới như giấy bồi, ngọc trai, lụa, gốm, thủy tinh được các nghệ nhân thể hiện nhuần nhuyễn tạo nên các sản phẩm đặc sắc trưng bày nhiều tại đây như bình, lọ, tranh, hũ…
Song điểm nhấn cuốn hút nhất là phần triển lãm ở Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, với những hiện vật cụ thể gồm đồ nghề, dụng cụ, bảng màu sơn, bảng kỹ thuật gắn rắc, trình tự kỹ thuật gắn, thếp và nhiều thủ pháp khác cho người xem hình dung sơ lược về quá trình cũng như ứng dụng phong phú của sơn mài trong đời sống và đặc biệt là nghệ thuật. Thậm chí, Ban tổ chức còn mang cây sơn từ Phú Thọ về trưng bày trong không gian triển lãm. Anh Đàm Quang Minh, tham gia tổ chức triển lãm chia sẻ: Cây sơn mọc ở vùng đất Phú Thọ là giống sơn đỏ thuộc loại sơn quý nhất Châu Á. Nghề sơn Việt Nam có phương thức chế tác riêng biệt và kỹ thuật độc đáo. Thợ sơn luôn dùng những chất liệu quý như vàng, bạc, son, bột ngà nhưng lại chôn vùi dưới những lớp nhựa sơn màu rồi mài bóng đi để màu nét và cảm giác được sự tỏa sáng từ bên trong.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, tranh sơn mài mới là điểm độc đáo của sơn mài Việt Nam. Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, hơn 20 bức tranh lớn nhỏ của 7 họa sĩ nhóm Sơn ta là: Lý Trực Sơn, Nguyễn Thị Quế, Đào Ngọc Hân, Nguyễn Tuấn Cường, Nguyễn Đức Việt, Vũ Tuấn Dũng, Trần Đình Bình phô diễn nhiều nét đặc sắc của kỹ thuật tranh sơn mài Việt Nam cho người xem cảm nhận rõ vẻ đẹp này. Tranh sơn mài luôn là thách thức sáng tạo và thể hiện trình độ của họa sĩ trong đời sống mỹ thuật đương đại.
Triển lãm diễn ra từ ngày 15-4 đến 2-5.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.