Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kẻ Bưởi, dấu xưa còn lại

ANHTHU| 03/09/2009 09:32

Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương     Mịt mù khói tỏa cành sương Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ. Câu ca dao từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường vẫn lay động trong tôi cho tới tận bây giờ.

Lối vào làng Võng Thị.

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương   
 Mịt mù khói tỏa cành sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.

Câu ca dao từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường vẫn lay động trong tôi cho tới tận bây giờ. Kẻ Bưởi, Yên Thái, Trích Sài, những địa danh thuộc vùng đất cổ nằm ở phía Tây Bắc  Thủ đô Hà Nội đã dẫn dắt tôi về nơi đây để tìm lại dư âm của nhịp chày giã giấy, tiếng lách cách của khung cửi dệt  vào một ngày chớm thu Hà Nội.

Ngày ấy...


Vùng Bưởi xưa có nhiều làng nghề, trong đó có hai nghề thủ công nổi tiếng là dệt lĩnh (làng Bái Ân, Trích Sài) và làm giấy dó (làng Hồ Khẩu, Yên Thái). Không biết nghề làm giấy dó ở vùng này xuất hiện tự bao giờ, nhưng khi nó xuất hiện ở Yên Thái thì phát triển mạnh mẽ. Âm thanh của tiếng chày giã vỏ cây cứ đêm đêm vang lên sôi động cả vùng nước hồ mênh mông đã trở thành nét đặc trưng của kinh kỳ, đi vào ca dao thành một điểm đặc trưng cho các làng nghề ở đất Thăng Long - Hà Nội cho tới tận những năm 60 của thế kỷ 20.


Những người già trong làng ở độ tuổi trên dưới 90 trong làng vẫn nhớ như in rằng "Tổng Bưởi chỉ im lặng được từ lúc chập choạng tối, khi người dân tranh thủ ăn cơm chiều và tranh thủ chợp mắt, canh hai đã lục tục trở dậy, trong làng lại vang nhịp thình thịch của tiếng chày giã giấy xen lẫn tiếng gọi nhau í ới trong các lò giấy. Những ngày phiên chợ mồng bốn, mồng chín hằng tháng, cả làng ra bán giấy tại chợ Cầu, kẻ bán người mua chen chúc, tấp nập. Cả làng trắng xóa giấy phơi".


Ông Nguyễn Hoàng Sâm, 84 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Bưởi nhớ lại: "Cái nghề làm ra thứ để ghi chép tinh hoa văn hiến vậy mà vất vả lắm. Sản xuất giấy cần nhiều nước sạch để ngâm, đãi, nấu dó. Bột dó phải nấu qua lửa mới thành giấy. Trước kia, lò nấu dó đắp bên sông Tô Lịch, miệng lò đặt chiếc vạc, vỏ dó được đun cách thủy. Khi vỏ dó chín, vớt ra và đem ngâm vôi. Sau đó bóc hết lần vỏ đen bỏ đi, phần vỏ dó còn lại có mầu trắng muốt, được đem giã nhuyễn bằng cối lớn, chày tay.


Mẹ tôi kể lại rằng, con gái làng Bưởi khi xưa ra ngoài đường không dám mặc áo cộc tay, do khi sàng giấy, các cô phải tì hai tay vào thành bể để sàng, xây xát lâu ngày thành chai, thành sẹo. Trai làng Bưởi ra đường người ta biết ngay bởi dáng đi của anh nào cũng vẹo một bên do gánh nguyên vật liệu làm giấy. Bởi thế mới có câu ca dao:


      Giã nay rồi lại giã mai


Ðôi chân tê mỏi, dó ơi vì mày...


      Xeo đêm rồi lại xeo ngày


Ðôi tay tê buốt vì mày giấy ơi !


Vất vả là thế nhưng thế hệ của chúng tôi mỗi khi nghe lũ trẻ học bài có câu ca dao "nhịp chày Yên Thái" vẫn không khỏi ngậm ngùi. Dẫu rằng, nghề cũ không còn phù hợp với đời sống hiện đại.


Bái Ân, Trích Sài lại nổi tiếng với nghề dệt lĩnh truyền thống. Theo truyền thuyết, thời vua Lê Thánh Tông (1470-1497),  vị Vua thứ 5 thời Hậu Lê sau khi đánh thắng Chiêm Thành (1471), trở về, nhà vua đem theo cung nữ gốc Chàm là Phan Thị Ngọc Ðô về kinh kỳ. Luật lệ không cho phép Ngọc Ðô vào cung, nên nhà vua đã ban cho nàng cùng 24 thị tỳ ra thôn Trích Sài lập trang Thiên Niên. Từ đó, bà Ngọc Ðô đem kỹ thuật dệt lĩnh cổ truyền của người Chàm truyền lại cho dân làng, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm. Lĩnh hoa vùng Bưởi nổi tiếng khắp nơi, không chỉ phục vụ người dân kinh thành Thăng Long mà còn bán ra nước ngoài. Vì thế người ta mới đúc kết: "The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng / Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên".


Bây giờ


Phường Bưởi ngày nay gồm sáu làng cổ An Thái, An Thọ, Ðông Xã, Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài hợp thành. Bây giờ, tìm về nơi đây, những làng nghề thủ công nổi tiếng một thời chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của những người già trong làng và những di tích lịch sử còn lại. Mặc thời gian "nước chảy đá, mòn" có những di tích vẫn sừng sững, trường tồn cùng thời gian như chùa Thiên Niên, đình An Thái, đền Ðồng Cổ. Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Nhà nước đã đầu tư kinh phí với số tiền trên năm tỷ đồng để phường trùng tu, tôn tạo những di tích lịch sử. Hằng năm, tại sáu làng cổ đều tổ chức lễ hội, thu hút hàng nghìn lượt khách khắp nơi về dự.


Bà Hồ Thúy Lan, cán bộ phụ trách văn hóa UBND phường tâm sự: "Cho dù đô thị hóa đã làm cho bộ mặt các làng cổ biến đổi nhưng bản thân tôi tự hào rằng hiếm có nơi nào trong thành phố còn có đủ các loại hình di tích lịch sử như ở phường chúng tôi từ đình, chùa, am, miếu, đền, văn chỉ trong đó có nhiều di tích gắn với lịch sử triều đại nhà Lý như chùa Thiên Niên, đình Trích Sài am Gia Hội...


Ngày nay, phường Bưởi cũng như bao làng quê khác đã có một bộ mặt mới nhờ quá trình đô thị hóa đem lại. Trên mảnh đất này, hiện có khoảng gần một phần ba dân số trong phường là người nơi khác đến sinh sống. Các giấy phép xây dựng, các dự án cải tạo đường, trường, cấp thoát nước vẫn hằng ngày nằm rất nhiều trên bàn Chủ tịch UBND Phan Lăng. Công việc còn bề bộn nhưng ông Chủ tịch phường vẫn vui vẻ cho biết: "Ðảng ủy, Ủy ban và nhân dân phường Bưởi vẫn nỗ lực trong công việc xây dựng phường văn minh - giàu đẹp. Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được triển khai sâu rộng, và thực hiện ở các tổ dân phố. Ðã có gần 96% số hộ đăng ký gia đình văn hóa, 100% số tổ dân phố đăng ký đạt tổ văn hóa, 20/20 khu dân cư đã đăng ký đạt tiên tiến trong năm 2009".


Phường Bưởi đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ nhưng đây đó, trong làng, những người dân thuộc thế hệ cũ vẫn giữ những nếp sinh hoạt cũ. Chúng tôi theo chân bà Lan tới thăm những ngôi nhà cổ quý hiếm còn sót lại trong làng như nhà của cụ Nguyễn An Thuế và cụ Phùng Văn Thi. Nằm lọt thỏm giữa hai ngôi nhà cao năm tầng, nhưng ngôi nhà của cụ Nguyễn An Thuế không bị lu mờ mà ngược lại, nó như một điểm nhấn khiến ai đi qua mà chẳng dừng lại ngắm nhìn. Thoạt tiên là cánh cổng và bức tường tuy xây bằng gạch nhưng theo lối cổ rất ấn tượng giữa bộn bề nhôm, kính, bê-tông. Ngôi nhà cổ năm gian của cụ Thuế hầu như còn nguyên vẹn. Cụ cho biết ngôi nhà đã ngót nghét gần một thế kỷ.


Ngôi nhà càng nổi bật trong một không gian bài trí hài hòa, có sân, cây cối, hòn non bộ, nhà ngang, gian dệt cửi thuở xưa và nổi bật trong nhà chính là nơi thờ cúng gia tiên. Cụ Thuế cho biết: "Tuổi già nhàn rỗi, thi thoảng có khách tới tham quan và trầm trồ khen ngợi cũng thỏa cái tâm gìn giữ vốn cổ từ thuở cha ông để lại. Nhiều lần con cái ngỏ ý muốn phá dỡ để xây dựng nhà cao tầng nhưng tôi và bà ấy còn sống, không được đứa nào phá nó đi. Mình giữ hết đời mình thôi, chả chắc đến đời con cháu, chúng còn giữ được. Bây giờ, tấc đất, tấc vàng".


Kẻ Bưởi hôm nay, cuộc sống đã thay đổi nhưng các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống vẫn còn đây. Hiện diện ở những ngôi nhà cổ, những cánh cổng làng, những di tích lịch sử văn hóa vẫn được các thế hệ nhân dân gìn giữ, bảo tồn như những nét riêng còn sót lại của mảnh đất ven kinh thành Thăng Long xưa.


THÁI SƠN (ND)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kẻ Bưởi, dấu xưa còn lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.