(HNMO) - Để tăng số người nhiễm HIV được đưa vào điều trị, Hà Nội áp dụng biện pháp thưởng cho bất kỳ ai phát hiện người nhiễm HIV và đưa được người đó đi điều trị.
TS Lã Thị Lan thông tin chiều 7-5. |
Theo TS Lã Thị Lan, năm 2017, Hà Nội phát hiện 800 trường hợp nhiễm HIV. Năm 2018, do đẩy mạnh việc xét nghiệm, số trường hợp này tăng lên 1.290 người. Ba tháng đầu năm 2019, có 400 trường hợp đã được xét nghiệm dương tính với HIV (tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018). Với các biện pháp tăng cường, Hà Nội kỳ vọng sẽ phát hiện khoảng 3.000 trường hợp trong năm 2019.
Đáng chú ý, gần đây, lây nhiễm qua đường tình dục đã trở thành phương thức lây truyền chủ yếu (tăng từ 34,4% năm 2015 lên 65,5% năm 2018). Vì vậy, bạn tình của người nhiễm HIV được coi là quần thể có nguy cơ cao mới, đòi hỏi phải có những giải pháp và hành động, can thiệp dự phòng phù hợp hạn chế sự lây lan HIV qua đường tình dục.
Do đó, từ tháng 5-2019, Hà Nội bắt đầu triển khai chiến dịch truyền thông “K=K” (Không phát hiện = Không lây nhiễm). Đây là thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus ARV với người nhiễm HIV.
Thông điệp này dựa trên bằng chứng khoa học và nhấn mạnh một người có HIV nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì không có nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục. Tải lượng virus không phát hiện được trong máu được định nghĩa khi có dưới 200 bản sao/ml máu.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố lưu ý 2 điểm quan trọng nhất là K=K chỉ đạt được khi người có HIV duy trì uống ARV hằng ngày theo chỉ định và định kỳ theo dõi tải lượng virus của mình. K=K chỉ áp dụng cho lây truyền qua đường tình dục, không áp dụng cho lây truyền qua đường máu và từ mẹ sang con.
“K=K là phát hiện có tính đột phá đối với bản thân người nhiễm HIV và cộng đồng”, TS Lan nhấn mạnh.
Cụ thể, phát hiện này đã trút bỏ được gánh nặng sợ lây truyền cho người khác của người nhiễm HIV, giúp họ có hy vọng vào tương lai, không còn mặc cảm, kỳ thị bản thân và có thể xây dựng các mối quan hệ thân mật như người bình thường.
Các cặp đôi bị nhiễm đang mong muốn có thai cũng có thể thụ thai mà không còn e sợ nguy cơ lây truyền nếu người bạn tình có HIV đang điều trị ARV và duy trì tải lượng virus “không phát hiện”.
Trong cộng đồng, K=K có vai trò rất quan trọng bởi nếu tất cả những người có HIV đều biết tình trạng của mình, uống thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định và duy trì được tải lượng virus “không phát hiện” thì số ca nhiễm mới sẽ được giảm thiểu tối đa và từ đó kiểm soát được dịch HIV.
TS Lan nêu thêm, hầu hết mọi người sẽ đạt được tải lượng virus không phát hiện được trong vòng 6 tháng sau khi bắt đầu điều trị ARV. Tuy nhiên, thực tế, còn nhiều người không biết điều này và bắt đầu điều trị ARV khá muộn. Và việc người bệnh dừng thuốc hay quên thuốc đều có thể dẫn đến tải lượng virus gia tăng.
Đến hết tháng 3-2019, trong tổng số hơn 21.000 người nhiễm HIV còn sống tại Hà Nội, còn gần 5.000 người không điều trị, trong đó có nhiều trường hợp từ chối, không muốn tiếp cận việc điều trị.
TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho 18 cơ sở điều trị tăng 5.000 chỉ tiêu điều trị mới, nâng tổng số lên 17.000 người. Hà Nội cũng đang phấn đấu 100% bệnh nhân có thẻ BHYT để làm các xét nghiệm, theo dõi, điều trị bệnh. Người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ mua thẻ BHYT.
Ngoài ra, từ năm 2017, danh tính của người nhiễm HIV được tuyệt đối bảo mật tại cơ sở điều trị mà không sợ lộ thông tin tại địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.