Trong cảnh báo cuối cùng trước khi đột kích, quân đội Israel đã ban hành lệnh sơ tán bắt buộc đối với một số khu vực ở phía Bắc Gaza.
Trong thông báo hôm 1-4 (giờ địa phương), Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận yêu cầu sơ tán bắt buộc một số khu vực phía Bắc Gaza, gồm 2 thành phố Beit Hanoun và Beit Lahiya, cùng các khu dân cư Sheikh Zayed, Al-Manshiya và Tal al-Zaatar.
Phát ngôn viên IDF Avichay Adraee tuyên bố, lệnh sơ tán bắt buộc là lời cảnh báo cuối cùng, trước khi các lực lượng quân đội Israel triển khai đột kích những địa điểm nói trên.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, người phát ngôn kêu gọi dân thường ngay lập tức di chuyển về phía Tây, đến các địa điểm trú ẩn ở thành phố Gaza để được bảo đảm an toàn.
Trước đó, quân đội Israel cũng đã ra lệnh sơ tán toàn diện tại thành phố Rafah ở phía Nam Gaza và một số khu vực lân cận của thành phố Khan Younis. Đây là yêu cầu sơ tán lớn nhất kể từ khi Israel nối lại chiến dịch tấn công Gaza trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn với Hamas lâm vào bế tắc.
IDF khẳng định, lệnh sơ tán nhằm bảo vệ người dân Palestine khỏi các chiến binh Hamas, đồng thời cáo buộc lực lượng này lợi dụng dân thường làm “lá chắn sống”. Tuy nhiên, Liên hợp quốc đánh giá, các cuộc di tản không tuân thủ luật pháp quốc tế do Israel bị cáo buộc không bảo đảm an toàn cho dân thường.
Liên quan hoạt động nhân đạo, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) khẳng định tiếp tục phân phối lương thực cho người dân ở Gaza nhưng tình hình vẫn rất nguy cấp do Israel chưa cho phép mở lại các cửa khẩu.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) xác nhận, việc Israel phong tỏa viện trợ trong gần một tháng đã buộc 25 tiệm bánh ở Gaza ngừng hoạt động do thiếu nguồn cung, trong khi lệnh di tản mới nhất tác động đến khoảng 150.000 người ở Rafah, khiến dân thường không thể tiếp cận hàng loạt dịch vụ thiết yếu.
Cùng ngày, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk đã lên án cuộc tấn công của quân đội Israel nhằm vào đoàn xe y tế ở Gaza, khiến 15 nhân viên y tế và cứu trợ thiệt mạng.
Đề cập đến tầm quan trọng của nỗ lực bảo vệ nhân lực nhân đạo tại các khu vực xung đột, ông Volker Turk khẳng định, “các nhân viên y tế, nhân đạo và khẩn cấp phải được tất cả các bên trong xung đột bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế”.
Theo thống kê của OCHA, ít nhất 408 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào ngày 7-10-2023.
(Theo Tân Hoa xã, Anadolu)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.