Rạn nứt giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Israel diễn ra trong bối cảnh Israel lên kế hoạch tấn công trên bộ vào Rafah, miền Nam Gaza.
Mỹ đã vạch ra “lằn ranh đỏ” với Israel và điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu Washington có hạn chế viện trợ quân sự cho Tel Aviv hay không?
Tổng thống Joe Biden đã vạch ra “lằn ranh đỏ” với lời cảnh báo, Israel không nên theo đuổi một chiến dịch quân sự nào nữa nếu không có các kế hoạch bảo vệ dân sự đáng tin cậy. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần yêu cầu Israel xem xét một kế hoạch quân sự với những đội quân chuyên biệt để chiến đấu với 3.000 tay súng của lực lượng Hamas ở Rafah. Washington không muốn Israel biến Rafah thành đống đổ nát và thêm nhiều người dân Palestine thiệt mạng. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã không làm gì nhiều hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.
Theo các quan chức Mỹ, căng thẳng giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã dẫn đến các cuộc tranh luận trong chính nội các Mỹ về việc thuyết phục Tel Aviv tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Gaza và tránh những thương vong nặng nề cho dân thường Palestine trong cuộc xung đột với Phong trào Hamas.
Việc Tổng thống Joe Biden tỏ ra thất vọng với Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể dẫn đến những thay đổi chính sách của Mỹ với Israel. Người đứng đầu nước Mỹ chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc hạn chế viện trợ vũ khí, nhưng rất có thể sẽ làm như vậy nếu quân đội Israel tiến hành một chiến dịch mới gây nguy hiểm hơn nữa cho dân thường Palestine. Trao đổi với đài MSNBC mới đây, Tổng thống Joe Biden tuyên bố, cuộc tấn công Rafah là “lằn ranh đỏ” và cảnh báo Israel sẽ mất đi viện trợ vũ khí nếu thực hiện hành động này.
Đáp trả những lời chỉ trích gay gắt của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến dịch quân sự ở Rafah, phần cuối cùng của Dải Gaza. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng đã làm rõ lập trường của mình khi cho rằng, "lằn ranh đỏ" chính là việc Hamas tấn công Israel vào ngày 7-10 năm ngoái. Nước này sẵn sàng đối mặt với sự lên án của cộng đồng quốc tế về phản ứng quân sự đối với cuộc tấn công của Phong trào Hamas.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Israel đã thuận theo nhiều yêu cầu của Washington. Tel Aviv đồng ý cho phép Mỹ và Jordan thả hàng viện trợ xuống Gaza, cử lực lượng phòng vệ của mình bảo đảm an ninh cho một bến cảng tạm thời do Mỹ xây dựng để đưa viện trợ vào Gaza bằng đường biển. Tổng thống Joe Biden đã thuyết phục được Thủ tướng Benjamin Netanyahu không tấn công phủ đầu lực lượng Hezbollah ở Lebanon, ngay cả khi mối đe dọa từ nhóm chiến binh này khiến gần 100.000 người Israel phải di dời.
Do đó, nhiều nhà phân tích nhận định, sự chia rẽ gần đây trong quan hệ Mỹ - Israel chủ yếu đến từ chính trị nội bộ của Mỹ. Trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ, việc tạm dừng giao tranh rất quan trọng đối với ông Joe Biden, khi đương kim Tổng thống đang phải đối mặt với đòn phản công chính trị dữ dội từ nội bộ phe cấp tiến của đảng mình - những người đã kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn và tăng cường hỗ trợ dân sự cho người Palestine ở Gaza.
Các quan chức hàng đầu chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bay tới bang Michigan, gặp gỡ đông đảo người Mỹ gốc Ả Rập và Hồi giáo để nói về chính sách của nước này đối với cuộc chiến. Điều đó không làm dịu đi những mối lo ngại, thể hiện qua việc hơn 100.000 người đã bỏ phiếu “không cam kết” trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở Michigan hồi tháng trước như một biện pháp phản đối ông Joe Biden trong vấn đề Israel.
Các quan chức Mỹ cho biết, đến nay, chưa có dấu hiệu của một cuộc tấn công vào Rafah. Theo nhiều nguồn tin, đã có những cuộc thảo luận kín về việc liệu Mỹ có nên hạn chế viện trợ quân sự cho Israel hay không? Tuy vậy, vấn đề này vẫn chưa đi đến một sự đồng thuận chung. Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, thành viên đảng Dân chủ của Ủy ban Đối ngoại, lưu ý rằng, luật pháp Mỹ cấm bán vũ khí cho các quốc gia ngăn chặn viện trợ nhân đạo; và cho biết, ông và các nhà lập pháp khác sẽ cố gắng ngăn chặn việc bán vũ khí mới cho Israel.
Giới phân tích quốc tế cho rằng, trong bối cảnh hiện tại trước cuộc bầu cử, Tổng thống Joe Biden sẽ phải cẩn trọng trong việc quyết định có gây áp lực với chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu bằng cách đưa ra các điều kiện liên quan đến vũ khí hoặc rút lại sự bảo vệ ngoại giao của Mỹ đối với Israel tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.