(HNM) - Quốc hội Iraq đã bầu chính trị gia người Kurd Abdul Latif Rashid làm Tổng thống mới của đất nước. Đây là bước quan trọng mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới để kết thúc thời gian bất ổn chính trị ở quốc gia vùng Vịnh này.
Ông Abdul Latif Rashid, 78 tuổi, đã giành được 160 phiếu bầu so với 99 phiếu của Tổng thống đương nhiệm Barham Saleh trong cuộc bỏ phiếu vòng hai của Quốc hội. Tân Tổng thống Iraq đã nhanh chóng bổ nhiệm chính trị gia Hồi giáo dòng Shiite - ông Mohammed Shia al-Sudani vào vị trí Thủ tướng. Cả ông Rashid và ông al-Sudani đều nhiều năm tham gia chính trường Iraq. Tân Tổng thống Rashid là Bộ trưởng Tài nguyên nước từ năm 2003 đến năm 2010 và kể từ đó là cố vấn của Tổng thống. Cựu Bộ trưởng Lao động và Xã hội al-Sudani nổi bật trong giới lãnh đạo chính trị của người Shia. Năm 2010, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị ở Baghdad.
Cuộc bỏ phiếu hôm 13-10 là tin tức tích cực với nhiều người Iraq, sau một năm đầy biến động và bất ổn, bắt nguồn từ mâu thuẫn chính trị gay gắt giữa giáo sĩ Moqtada al-Sadr và các đảng dòng Shiite do Iran hậu thuẫn. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 10-2021, đảng của ông al-Sadr giành được nhiều ghế nhất với 73/329 ghế tại Quốc hội. Tuy nhiên, chính khách 48 tuổi đã rút tất cả các nghị sĩ của mình khỏi Quốc hội hồi tháng 6 sau khi thất bại trong việc thành lập chính phủ. Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shiite đã khiến Iraq không thành lập được chính phủ mới, do không hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết tại Quốc hội để bầu tổng thống mới.
Vào tháng 8-2022, sau khi al-Sadr tuyên bố sẽ rút lui khỏi chính trường, những người ủng hộ giáo sĩ này đã biểu tình, xông vào Vùng Xanh, nơi có nhiều tòa nhà chính phủ và cơ quan ngoại giao. Cuộc xung đột giữa những nhóm Hồi giáo dòng Shiite đối nghịch đẩy thủ đô Baghdad rơi vào hỗn loạn. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại Iraq kể từ khi cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu lật đổ chính quyển của Tổng thống Saddam Hussein vào năm 2003 và đánh dấu khoảng thời gian dài nhất đất nước không có chính phủ kể từ cuộc bầu cử đầu tiên do Mỹ hậu thuẫn năm 2005.
Liên hợp quốc đã hối thúc các phe phái đối địch ở Iraq chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị. “Cuộc khủng hoảng kéo dài đang gây thêm bất ổn, đe dọa sinh kế của người dân”, Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Iraq cho biết, đồng thời thúc giục "đối thoại không có điều kiện tiên quyết" để hướng tới một chính phủ ổn định. Năm nay, Iraq đã 3 lần thất bại trong việc bầu một nguyên thủ quốc gia mới. Cuộc bỏ phiếu hôm 13-10 là nỗ lực lần thứ tư và diễn ra ngay sau khi một loạt 9 tên lửa bắn trúng khu vực Vùng Xanh của thủ đô khiến ít nhất 10 người bị thương.
Quốc gia dầu mỏ đang chật vật tái thiết sau nhiều thập kỷ bị tàn phá bởi chiến tranh, các lệnh trừng phạt, xung đột dân sự và nạn tham nhũng. Tân Thủ tướng al-Sudani có 30 ngày để thành lập chính phủ. Thủ tướng mới có sự hậu thuẫn của các phe phái thân Iran, nhưng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là đánh bại phe đối lập gồm hàng triệu người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo đầy quyền lực Moqtada al-Sadr.
Theo giới quan sát, ông Sudani dự kiến sẽ không thực hiện những thay đổi chính sách lớn. Tân Thủ tướng tuyên bố sẽ thúc đẩy "cải cách kinh tế" nhằm hồi sinh ngành công nghiệp, nông nghiệp và khu vực tư nhân của Iraq. Ông cũng hứa sẽ cung cấp cho những người trẻ Iraq "cơ hội việc làm và nhà ở", đồng thời nhấn mạnh quyết tâm giải quyết tình trạng tham nhũng tràn lan và hạn chế sự can thiệp của Iran. Các nhà phân tích cho biết, với kinh nghiệm lâu năm của ông Sudani trong chính phủ cùng sự hậu thuẫn bởi các nhân vật chính trị quan trọng có thể đem lại ổn định cho một đất nước đầy biến động như Iraq.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.