Để các bạn và em học sinh hiểu kỹ hơn về lịch sử hình thành, đặc điểm và một số dạng bài IQ test, từ số này, chúng tôi sẽ cung cấp một vài nét sơ lược về IQ và IQ test.
1) IQ là gì? Trong tiếng Anh, IQ là viết tắt của cụm từ Intelligence Quotient, có nghĩa là chỉ số thông minh.
2) IQ test là gì? Thông thường, đó là hệ thống nhiều câu hỏi trắc nghiệm (người trả lời chọn một trong các đáp án, điền đáp số hoặc kết hợp cả hai loại).
Nói chung, IQ đánh giá chủ yếu về khả năng suy nghĩ, suy luận và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đánh giá, so sánh IQ thường cần thêm các yếu tố như: Giới tính, độ tuổi, tình trạng sức khỏe...
IQ thường bị nhầm lẫn với kiến thức, trí tuệ và trí nhớ. Bởi vậy, để phân biệt, người ta dùng khái niệm IQ test. Mặc dù exam hay test cũng đều được coi là bài kiểm tra - bài thi nhưng để phân biệt rõ ràng, người ta dùng cụm từ IQ test cho những bài kiểm tra chỉ số thông minh. Điều này phân biệt với việc nếu viết là kiểm tra IQ thì hoàn toàn có thể đưa vào đề bài những câu hỏi nhằm kiểm tra kiến thức, trí nhớ những gì đã học, một dạng như thi học kỳ của học sinh phổ thông.
Đầu thế kỷ XX, khi Pháp thực hiện chế độ bắt buộc đến trường đối với học sinh, nhà tâm lý học người Pháp Alfred Binet (1857 – 1911) đã nghiên cứu ra hệ thống câu hỏi để xác định IQ, nhằm giúp đỡ những học sinh khi mới vào học và mục đích phân loại học sinh ở các lứa tuổi khi cần thiết.
Trong một giai đoạn dài, người ta quá chú tâm đưa vào IQ test những câu tư duy suy luận logic và tư duy ngôn ngữ. Điều này dẫn đến việc khó phát hiện ra những người có trí thông minh khác nữa. Chẳng hạn, người ta muốn thông qua bài test để tìm ra những học sinh có năng khiếu về âm nhạc, hội họa, thể thao, hay thậm chí để phát hiện một số triệu chứng của bệnh tật. Ngày nay, chúng ta biết rằng, theo quan niệm mới
thì trí thông minh được chia làm 7 loại chính. Đó là ngôn ngữ, logic – toán, không gian, âm nhạc, vận động thân thể, năng lực tương tác và năng lực tự nhận thức bản thân. Bởi vậy, một quan niệm mới ra đời với nhiều chỉ số hơn nhằm đánh giá đúng, tốt hơn khả năng của con người. Đó là ngoài IQ, có thêm các chỉ số EQ (cảm xúc), AQ (vượt khó), SQ (xã hội), sáng tạo (CQ).
Theo thời gian, với hệ thống câu hỏi theo cách mới, một số IQ test đã đáp ứng được hầu hết những yêu cầu của các chỉ số khác. Đề IQ test kiểu này khá đa dạng. Ngoài ngôn ngữ, logic – toán thì có thể có thêm hình, khối, âm nhạc, cảm xúc, kỹ năng sống...
Kết quả kỳ trước.
Đề bài: Giả sử có n số lẻ khác nhau có tổng bằng 102. Hỏi n lớn nhất bằng bao nhiêu?
Giải: Tổng của n số lẻ khác nhau nhỏ nhất khi đó là n số lẻ đầu tiên. Tổng của n số lẻ đầu tiên là n × n. Suy ra n × n không lớn hơn 102. Vì 10 × 10 = 100, 11 × 11 = 121 và 100 < 102 < 121 nên n < 11. Vì 102 là số chẵn nên n chẵn. Thử n = 10 thì 102 – 100 = 2, ta chọn được 10 số lẻ khác nhau thỏa mãn là: 1, 3, 5, 7, 9, 11, 13, 15, 17, 21. Vậy n lớn nhất là 10. Trao giải 50.000đ/người cho bạn Đặng Kỳ Bảo (THCS Đông Thái).
Kỳ này: Em hãy viết số còn thiếu trong dãy số: 0, 1, 4, 9, 16, ... , 25. Câu trả lời gửi về chuyên mục “Toán học, học mà chơi”, tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.