Intel vừa chia sẻ một số thông tin liên quan tới việc gia hạn bảo hành cho bộ vi xử lý (CPU) Core thế hệ thứ 13 và 14 tại thị trường Việt Nam, động thái diễn ra sau loạt phản hồi liên quan tới hiện tượng hệ thống mất ổn định.
Trước đây, các bộ xử lý Intel đi kèm chế độ bảo hành giới hạn 3 năm cho các CPU đóng hộp (box). Với chế độ bảo hành mở rộng, các bộ xử lý trong diện ảnh hưởng sẽ được bảo hành lên tới 5 năm.
Người tiêu dùng tại Việt Nam có những đặc thù riêng. Về vấn đề này, ngày 6-8, Intel đã cung cấp danh sách cụ thể các bộ xử lý được gia hạn bảo hành lên 5 năm tại thị trường Việt Nam (ảnh dưới).
Theo Intel, việc gia hạn bảo hành tại Việt Nam sẽ được tiến hành hoàn toàn tự động đối với các bộ xử lý đóng hộp dòng Core 13 và 14, và người dùng không cần thực hiện bất kỳ thao tác gì.
Hãng bán dẫn Mỹ cũng cho biết, thông qua sự hỗ trợ của nhà phân phối chính thức Viễn Sơn, người dùng tại Việt Nam giờ đây không cần phải làm thủ tục bảo hành trực tiếp với Intel toàn cầu thông qua website như trước. Đây là quy trình đòi hỏi nhiều khâu phức tạp và trình độ ngoại ngữ nhất định.
Thay vào đó, những người dùng có CPU cần bảo hành có thể trực tiếp làm việc với nhà phân phối Viễn Sơn để rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện quy trình.
Động thái gia hạn bảo hành của Intel được thực hiện sau hàng loạt phản ánh về hiện tượng mất ổn định trên một số hệ thống sử dụng CPU Intel. Sự cố - chủ yếu là treo máy khi chạy ứng dụng hoặc xuất hiện màn hình xanh trong Windows. Hiện tượng này ảnh hưởng đến một số lượng CPU chưa xác định thuộc các dòng Core 13 và 14.
Những sự cố đầu tiên được ghi nhận từ tháng 12-2022, với số lượng phản ánh lên tới đỉnh điểm vào cuối năm 2023.
Theo Intel, một đoạn vi mã CPU bị lỗi là nguyên nhân gây ra vấn đề mất ổn định liên tục. Đoạn vi mã này khiến bo mạch chủ cấp điện áp cao hơn cho CPU, dẫn đến trạng thái hoạt động ngoài ranh giới an toàn, thậm chí bị hư hại vĩnh viễn.
Trong lần này, Intel cũng lưu ý, đối với bộ xử lý không đóng hộp (tray), hãng thường cung cấp bảo hành giới hạn 1 năm dành cho đối tác trực tiếp như nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) - đơn vị lắp ráp máy tính bộ/máy tính nguyên chiếc - và nhà phân phối được ủy quyền của Intel.
Vì vậy, người dùng các máy tính thuộc nhóm này nếu gặp sự cố CPU như nêu ở trên, sẽ phải liên hệ đơn vị cung cấp máy, thay vì trực tiếp với Intel.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.