Theo dõi Báo Hànộimới trên

Infographic: Con đường Anh rời khỏi EU

Bảo San| 27/06/2016 16:04

(HNMO) - Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, hơn một nửa người dân Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Vậy để từ bỏ tư cách thành viên EU, Anh có thể lựa chọn những cách nào nếu xét dưới góc độ pháp lý?

(HNMO) – Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, hơn một nửa người dân Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên đây không phải là cơ sở ràng buộc pháp lý để Anh tách khỏi EU ngay lập tức. Vậy để từ bỏ tư cách thành viên EU, Anh có thể lựa chọn những cách nào nếu xét dưới góc độ pháp lý?

Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu

Cách thứ nhất, Anh có thể viện diễn điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu (Hiệp ước Lisbon). Nếu dùng biện pháp này, Anh cần trải qua 4 bước cơ bản bao gồm: Thông báo chính thức với Hội đồng châu Âu (EC) rằng nước này muốn rời khỏi khối; Tiến hành đàm phán về điều khoản để rời khỏi EU và những thỏa thuận thương mại với 27 quốc gia thành viên còn lại; Các cơ quan lập pháp của EU bỏ phiếu để thông qua các thỏa thuận; Anh rút khỏi khối.

Quá trình rút khỏi EU kéo dài trong vòng 2 năm, được bắt đầu ngay khi Anh chính thức thông báo cho EC. Thời hạn có thể được kéo dài thêm nếu EC nhất trí về chuyện này.

Khi quá thời hạn, Anh sẽ không còn là thành viên của EU, ngay cả khi các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Anh sẽ mất tư cách thành viên của liên minh, bao gồm những quyền lợi và trách nhiệm, như thương mại tự do hoặc công dân được đi lại tự do nội khối. Nếu các bên không có thỏa thuận nào, thì việc giao dịch với các nước trong EU sẽ trở nên tốn kém hơn.

Đạo luật Cộng đồng châu Âu 1972

Cách thứ hai để Anh rời khỏi EU là đơn phương tách khỏi liên minh bằng cách hủy bỏ hoặc thay đổi Đạo luật Cộng đồng châu Âu 1972. Nhưng đây không phải là giải pháp ngôn khoan về chính trị và kinh tế. Với cách này Anh sẽ đánh mất mọi cơ hội để đạt được các thỏa thuận thương mại có lợi và sẽ không có giai đoạn chuyển tiếp.

Dẫn luật quốc tế

Luật điều ước quốc tế có quy định: “Khi xuất hiện sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh dẫn đến các bên không thể tiếp tục thực hiện được điều ước quốc tế (Điều 62 Công ước Viên 1969), các quốc gia có thể viện dẫn để rút khỏi quan hệ điều ước quốc tế”.

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh với đa số người dân ủng hộ nước này rời khỏi EU có thể được xem là “sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh” và Anh có thể viện dẫn nguyên tắc đã nêu trong luật quốc tế để đơn phương rút khỏi liên minh.

Điều này có nghĩa là nếu muốn, Anh có thể không cần phải viện dẫn luật của EU mà dùng luật pháp quốc tế ngay lập tức đơn phương rút tư cách thành viên khối. Nhưng cách thức này cũng giống như biện pháp thứ hai, Anh sẽ mất các quyền lợi kinh tế và chính trị trong quan hệ với EU.

Đàm phán với EU

Ngoài 3 biện pháp trên, Anh cũng có thể không cần viện dẫn các điều khoản luật quy định về việc rút khỏi Liên minh châu Âu mà tiến hành đàm phán luôn với các lãnh đạo EU để đạt được thỏa thuận đôi bên cùng có lợi về việc Anh rời khỏi khối.

“Không có nghĩa vụ nào bắt buộc (thành viên) phải ngay lập tức viện dẫn điều 50 sau khi nước đó trưng cầu dân ý tán thành rời khỏi khối. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát tiến trình này”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Anh Michael Gove cho biết.

Tuy nhiên, nếu theo con đường này, quá trình rời EU của Anh cũng sẽ không kém phần phức tạp và không rõ sẽ kéo dài bao lâu. Vì luật EU không có những điều khoản quy định cụ thể vấn đề này nên mọi thủ tục, cách thức đàm phán sẽ là do các bên tự thỏa thuận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Infographic: Con đường Anh rời khỏi EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.